Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng những hành trình...(Kỳ cuối)

07:41, 29/07/2021

Kỳ cuối: Đau đáu niềm ước nguyện

Mỗi năm qua đi, việc quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn lại càng khó. Ngay cả khi quy tập được rồi, đa số phần mộ còn chưa rõ thông tin. Day dứt, trăn trở này từ lâu không là nỗi niềm riêng của lực lượng chức năng, mà còn là nỗi khắc khoải của thân nhân liệt sĩ đã hàng chục năm trời mỏi mòn mong ngóng…  

Day dứt những tâm nguyện 

Gần 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Trung Phụng (quận Long Biên, TP. Hà Nội) vẫn lưu giữ như in vào tâm trí những thông tin liên quan đến em mình – liệt sĩ Nguyễn Tuấn Sửu (hy sinh tháng 9-1969 trong kháng chiến chống Mỹ). Cố gắng tìm bằng được mộ em trai là tâm nguyện mà bố mẹ ông trước khi qua đời đã gửi gắm thường trực vào ông – người con trai đầu.

 Cán bộ,  chiến sĩ  Đội K51  thắp hương tri ân  các  Anh hùng liệt sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ Đội K51 thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Khắc khoải di nguyện ấy, hơn 50 năm qua kể từ khi gia đình nhận được giấy báo tử liệt sĩ hy sinh ở chiến trường miền Nam, ông Phụng đã nhiều lần vượt hàng nghìn cây số, tìm đến các cơ quan, đơn vị chức năng, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước với nguyện vọng thiết tha là tìm được hài cốt em mình. Năm 2013, ông Phụng gửi thông tin, sơ đồ mộ chí nơi an táng về Đội K51. Từ đây, những cuộc tìm kiếm liệt sĩ Nguyễn Tuấn Sửu dọc bờ sông Đắk Huýt (huyện Ô Răng) được cán bộ, chiến sĩ thực hiện hằng năm.

Hàng chục năm trời, dấu thời gian gần như thay đổi toàn bộ địa hình, địa vật nhưng ngọn lửa hy vọng vẫn luôn được Đội K51 nhen nhóm. Đến nay, trong mỗi đợt làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, hồ sơ về liệt sĩ Nguyễn Tuấn Sửu vẫn luôn được mang theo, âm thầm vượt suối, băng rừng tìm kiếm...

Cũng như liệt sĩ Nguyễn Tuấn Sửu, rất nhiều đồng đội của anh vẫn còn nằm hoang lạnh đâu đó trên đất bạn xa xôi. Từ thông tin Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và các nguồn tin khác nhau, có khoảng 240 mộ liệt sĩ nằm rải rác trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Mondilkiri. Đặc biệt, một số khu vực còn rất nhiều mộ như dọc biên giới hai huyện Ô Răng (Mondulkiri) và Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) có trên 100 mộ; núi Giang Po và núi Nậm Nia (huyện Bátchanđa) có các mộ tập thể với trên 30 chiến sĩ…

Thượng tá Đỗ Văn Thiệu, Chính trị viên Đội K51 bộc bạch: “Các khu vực nói trên được Đội tìm kiếm rất nhiều lần trong mỗi mùa khô, nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện được gì. Dù thực tại khác xa nguồn thông tin, nhưng chúng tôi vẫn luôn thầm mong sẽ tìm thấy mộ của những liệt sĩ anh dũng hy sinh”.

Trăn trở xác định danh tính liệt sĩ

Trên hành trình tri ân mà Đội K51 vẫn miệt mài tìm kiếm hằng năm tại Campuchia, có đến 561 mộ liệt sĩ chưa rõ tên, chiếm tới 82,25% tổng số mộ mà các anh quy tập được. Nhìn dãy mộ còn thiếu thông tin tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nối dài theo thời gian, mỗi người đến viếng đều buốt nhói niềm đau.

Các đại biểu tiễn đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia về nơi yên nghỉ.
Các đại biểu tiễn đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia về nơi yên nghỉ.

Năm 2012, thêm hy vọng cho thân nhân liệt sĩ khi Cục Người có công ban hành Công văn 600/NCC-LTHS về việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cơ sở này giúp Đội K51 và các ngành chức năng thực hiện các bước lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ quy tập được để giám định danh tính.

 
Với những phần mộ liệt sĩ có danh tính, hoặc một phần danh tính, đơn vị đã báo cáo lên cấp trên, đồng thời thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm thân nhân liệt sĩ. Còn những phần mộ chưa rõ tên, quá trình cất bốc càng phải kỹ càng. Mọi mẫu sinh phẩm để giám định ADN đến các di vật đi kèm được bảo quản, lưu trữ, thống kê chặt chẽ nhằm phục vụ cho việc đối chiếu, xác nhận danh tính sau này”.
 
Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh

Phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, từ năm 2012 đến nay, có 79/121 hài cốt liệt sĩ quy tập trên đất bạn Campuchia được lấy mẫu sinh phẩm để lưu trữ tại ngân hàng gen, phục vụ cho việc đối chiếu, so sánh, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên chưa thể đối chứng, phân tích vì các mẫu chưa rõ tên, chưa xác định được thân nhân liệt sĩ…

Trong rất nhiều hội nghị, thảo luận, vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được trao đổi và trăn trở rất nhiều. Thượng tá Đỗ Văn Thiệu nóng lòng: “Thời gian chôn cất càng lâu, hài cốt càng dễ bị phân hủy, việc lấy mẫu sinh phẩm càng khó hơn, nếu có thì chất lượng mẫu ít nhiều bị ảnh hưởng. Đội K51 mong mỏi những cá nhân, tập thể nếu biết thông tin gì về đồng đội, khu vực, đơn vị chiến đấu, nơi đã từng chôn cất liệt sĩ hãy cung cấp thêm cho chúng tôi để anh em tiến hành khảo sát, tìm kiếm được nhanh chóng, chính xác”…

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã muôn vàn khó khăn, nhưng để tìm lại tên cho các anh cũng gian nan không kém. Trên hành trình thăm thẳm nỗi niềm ấy, cần lắm sự sự chung sức của nhiều người, đặc biệt là sự vào cuộc rốt ráo của các ngành chức năng.

Quỳnh Anh


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.