Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drak: Phát triển mạnh cây mía

09:24, 28/07/2010

Những năm gần đây, cây mía ngày càng khẳng định thế mạnh ở M’Drak với diện tích ngày càng tăng, nhiều nông dân đang giàu lên nhờ loại cây này.

 

Cây mía được đem về trồng tự phát lẻ tẻ trên đất mới khai hoang ở huyện M’Drak từ cách đây hơn 10 năm, nhưng hiệu quả ban đầu không cao do đây là loại cây mới lại chưa được cơ quan chức năng nào khuyến khích trồng. Mấy năm trở lại đây, cây mía được giá, nhiều hộ dân có thu nhập cao; lại phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên vùng thảo nguyện rộng lớn này nên lãnh đạo huyện M’Drak đã xác định đây là loại cây làm giàu cho nông dân và khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Từ đó phong trào trồng mía phát triển mạnh ở các địa phương, nhiều hộ dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích ở những vùng đồi núi trọc trên nền đất xám bạc màu và đất Feralit vàng đỏ. Hiện, diện tích mía toàn huyện đạt gần 5000 ha với các giống mía chất lượng cao như: F156, K84-200, QĐ 93-159, Rốc 25 và Rốc 26 tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Pil, Krông Á, Krông Jing… Cây mía đường đang dần trở thành cây kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp huyện M’Drak.

Nông dân Ea Pil chăm sóc mía.
Nông dân Ea Pil chăm sóc mía.
Một thuận lợi nữa trong việc phát triển cây mía ở M’Drak là có 3 đơn vị: Công ty Cổ phần mía đường 333, Công ty mía đường Ninh Hòa, Công ty mía đường Dak Nông đều quy hoạch vùng nguyên liệu ở các xã thuộc huyện này. Tháng 12 - 2009, UBND tỉnh có Quyết định số 3911/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường 333 (Thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) với diện tích 7.915 ha, trong đó huyện M’Drak là 3.350 ha. Theo đó, lãnh đạo huyện và phòng nông nghiệp đã chỉ đạo nông dân các địa phương mở rộng diện tích trồng mía trên đất mới khai hoang và các diện tích trồng bắp, đậu kém hiệu quả. Vụ đông xuân 2009 - 2010, toàn huyện đã trồng thêm 50 ha mía bên cạnh diện tích đã cho khai thác. Nông dân được các công ty mía đường hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm. Các công ty mía đường cũng vận động các hộ trồng mía chú trọng nâng cao chất lượng cây mía thông qua trồng thêm những giống mới chất lượng cao. Ông Hồ Xuân Tẩn, Trưởng phòng NN – PTNT huyện M’Drak cho biết, với điều kiện tự nhiên phù hợp với cây mía và các ưu đãi đối nông dân của các công ty mía đường, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển diện tích mía đường, tạo thêm thu nhập cho nông dân, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ea Pil là địa phương có diện tích mía lớn nhất huyện, với 2000 ha, bình quân mỗi hộ trồng 1.5 – 2 ha, và mía đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương này. Trong đó, trồng nhiều nhất là ông Lê Ngọc Nhơn (thôn 2), hơn 15 ha, năng suất bình quân đạt 70 – 75 tấn/ha, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Gần đây, phong trào trồng mía ở Ea Pil phát triển mạnh, nhiều hộ chuyển các loại cây trồng năng suất thấp sang trồng mía. Anh Nguyễn Nguyễn Hữu Cự trồng 10 ha, trong đó có một phần diện tích trồng sắn trước đây chuyển sang. Mỗi năm anh thu nhập 50 triệu đồng/ha. Anh cho biết, cây mía dễ trồng, thời gian khai thác có thể kéo dài được 5 năm, hiệu quả kinh tế cao và là cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây.

Nhìn những bãi mía bạt ngàn xanh tốt cao bằng đầu người trên đồi 519 như hứa hẹn một vụ mía ngọt ngào cho người dân Ea Pil nói riêng và toàn huyện M’Drak nói chung.

 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc