Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân làm kinh tế giỏi

09:23, 28/07/2010

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên làm giàu, trở thành những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước…

 

Tỷ phú chanh dây
Năm 1998, gia đình anh Hoàng Trọng Vũ (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) mua 15 ha đất, trong đó có 6 ha đã trồng cà phê, còn lại là đất trắng. Tuy đã đầu tư mọi nguồn lực để chăm sóc cà phê nhưng những năm giá cà phê xuống thấp, số tiền thu được từ 20 tấn cà phê mỗi năm cũng không đủ trả nợ ngân hàng và thuê nhân công chăm sóc, thu hái. Nhận thấy trồng cà phê chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thu được không đáng kể nên anh trăn trở tìm hướng đi mới. Một lần tình cờ tham khảo thông tin trên mạng internet, anh được biết về cây chanh dây. Từ đó, ý nghĩ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thôi thúc anh tìm hiểu về loại cây trồng này thông qua các tài liệu, sách báo và sang Lâm Đồng liên hệ mua cây giống, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trở về, anh mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng chanh dây. Do biết tận dụng thân cây cà phê làm giàn nên chi phí đầu tư trồng 1 ha chanh dây của gia đình anh Vũ chỉ còn khoảng 50 triệu đồng gồm tiền mua giống, dây kẽm và công chăm sóc. Nhờ cách làm linh hoạt trên, đến nay, gia đình anh đã trồng được 8 ha chanh dây.

Hội viên tham quan mô hình chanh dây của ông Hoàng Trọng Vũ.
Hội viên tham quan mô hình chanh dây của ông Hoàng Trọng Vũ.
Anh Vũ cho biết, chanh dây khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên thăm nom vườn cây, nếu thấy có dấu hiệu sâu bệnh thì phun thuốc phòng trừ. Sau thời gian 4-6 tháng, cây chanh dây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng từ 70 – 90 tấn/ha. Giá bán hiện tại 7.000 đồng/kg thì mỗi ha chanh dây cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Theo nhận định của anh Vũ thì chanh dây là cây trồng “siêu lợi nhuận” vì cho thu hoạch quanh năm, thời gian kéo dài từ 4 đến 5 năm nếu chăm sóc tốt, thường xuyên cắt tỉa cành già yếu. Với khoảng hơn 2 ha chanh dây đã bắt đầu cho thu hoạch, trừ chi phí, anh Vũ cũng có trong tay tiền tỷ. Đến cuối năm, gia đình anh sẽ trồng cây chanh dây hết 7 ha đất còn lại. Từ thành công đó, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh dây và hiện toàn xã đã có hơn 20 ha. Không chỉ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, anh Vũ còn thực hiện thành công mô hình nuôi nhím giống đem lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.

Ông chủ của trang trại rộng 20 ha

Từ một thợ may đến trở thành ông chủ trang trại trồng trọt, kết hợp chăn nuôi rộng hơn 20 ha là một quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của ông Nguyễn Tấn Huy (tổ dân phố 9, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ). Mặc dù làm nghề cũng đủ nuôi gia đình, cuộc sống khá ổn định nhưng ý nghĩ vươn lên làm giàu cứ thôi thúc ông. Sau khi trồng thử nghiệm thành công 1 ha cà phê cho năng suất cao, năm 1995, ông quyết định bán đi một số tài sản, đầu tư thời gian tham khảo thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê và một số cây trồng khác, gia đình ông chuyển hẳn sang nghề mới và trồng thành công 15 ha cà phê, 2 ha sầu riêng. Với suy nghĩ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định và hạn chế rủi ro khi thị trường có sự biến động, nên song song với việc trồng cà phê, ông phát triển trang trại chăn nuôi 80 con bò thịt, trồng xen canh các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chuối, chôm chôm trong vườn cà phê. Để có thức ăn chăn nuôi bò, ông còn đầu tư trồng 3 ha cỏ.
Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Tấn Huy.
Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Tấn Huy.
Theo ông Huy thì việc phát triển chăn nuôi bò không chỉ tăng thu nhập mà nguồn phân thu được còn hỗ trợ tích cực cho cây cà phê. Thông qua việc xây dựng hầm có diện tích gần 100 m2, tận dụng cỏ, lá cây và phân bò để ủ phân vi sinh nên bình quân 1 gốc cà phê của gia đình được bón thêm 25 kg phân vi sinh/năm. Nhờ vậy, đã hạn chế việc sử dụng phân hóa học, lại cải tạo được đất nên cây phát triển xanh tốt, hạn chế sâu bệnh và chi phí đầu tư nhưng vẫn cho năng suất cao. Với diện tích cà phê trên, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 60 tấn nhân, hơn 50 tấn sầu riêng cùng với các cây ăn trái khác và tiền bán bò nên trừ chi phí, lợi nhuận ước tính khoảng 1 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, với những kinh nghiệm tích lũy được, ông đã phổ biến mô hình “cà phê-cây ăn trái-chăn nuôi” giúp bà con phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông còn cho 8 hộ nghèo vay 100 triệu đồng không tính lãi, hằng năm tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương. Nhờ vậy, cuộc sống bà con ngày càng ổn định. Với thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Huy là một trong những nông dân tiêu biểu tham dự Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến toàn tỉnh.

Làm giàu nhờ chăm chỉ lao động
Năm 1996, gia đình chị Vũ Thị Len (thôn Liên Kết, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chuyển từ Nam Định vào Dak Lak sinh sống và mua được 4 ha đất trắng. Với bản tính chăm chỉ, biết “lấy ngắn nuôi dài”, anh chị đã trồng các loại hoa màu, chăn nuôi heo, gà tăng thu nhập. Khi có thêm vốn lại dồn mua thêm đất nên hiện trang trại của gia đình có tổng diện tích 10 ha. Nhận thấy chăn nuôi heo thuận lợi, có thể lấy công làm lãi, tận dụng được thức ăn gia đình làm ra nên anh chị mạnh dạn phát triển mô hình này.

Mô hình chăn nuôi heo của gia đình chị Vũ Thị Len.
Mô hình chăn nuôi heo của gia đình chị Vũ Thị Len.
Với diện tích chuồng trại rộng 300 m2 gồm 18 chuồng nuôi, gia đình chị luôn có khoảng 10 – 20 heo nái và hơn 150 heo thịt. Với số lượng nuôi lớn, gia đình chị Len đã thiết kế hệ thống nước uống tự động đến từng chuồng nuôi, xây hầm Biogas để tận dụng khí đốt vừa thắp sáng, ủ phân bón cà phê lại bảo đảm vệ sinh môi trường. Song song với phát triển chăn nuôi heo, gia đình chị còn trồng và chăm sóc tốt 4,5 ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch 20 tấn. Để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, gia đình chị mạnh dạn mở quán buôn bán tạp hóa, cửa hàng kinh doanh phân bón và đại lý thu mua cà phê, đem lại tổng thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc