Sản xuất, kinh doanh trong các công ty lâm nghiệp còn nhiều lúng túng, do đâu?
Sau hơn 5 năm sắp xếp và chuyển đổi từ hơn 30 lâm trường thành 15 công ty lâm nghiệp chuyên quản lý, bảo vệ, cũng như được quyền chủ động tổ chức các mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên diện tích rừng được giao. Song đến nay, hoạt động sản xuất trong các công ty này vẫn còn nhiều lúng túng…
Chưa xứng với tiềm năng
Hiện nay diện tích đất, rừng được giao cho 15 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 208.000 ha, chiếm gần 33% diện tích đất lâm nghiệp và 15,7% đất tự nhiên của tỉnh. Theo đánh giá của ông Y D’hăm- Phó chủ tịch UBND tỉnh thì các doanh nghiệp trên chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi nhuận hàng năm thu về từ khối kinh tế này không đáng kể. Thậm chí có hơn phân nửa (khoảng 8/15 công ty) lâm vào cảnh bế tắc, nợ lương công nhân. Tất nhiên trong tình cảnh đó, nhiều công ty lâm nghiệp không thể tổ chức, triển khai được bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào ngoài việc nằm đợi kinh phí (hạn hẹp) từ trên rót về. hoặc phải “sống cầm hơi” từ nguồn trích phần trăm cho chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên được phê duyệt hàng năm.
Ông Nguyễn Hữu Thu-Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh (huyện Ea Súp) cho biết, có những đợt công ty nợ lương của công nhân vài ba tháng vì không có nguồn kinh phí nào để trả. Đời sống người lao động luôn gặp khó khăn, bởi vậy không ít người tìm cách rời khỏi công ty, tìm việc làm khác. Còn hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây, ông Thu trình bày thêm, cũng từ khó khăn ấy nên thời gian qua càng trở nên ì ạch hơn bao giờ hết! Từ năm 2007, sau một năm sắp xếp, chuyển đổi từ Lâm trường Cư M’lanh sang công ty lâm nghiệp, Ban giám đốc cũng đã vận động cán bộ công nhân đóng góp cổ phần, tận dụng mặt nước hồ thủy lợi Ea Súp Thượng để nuôi cá và tôn tạo cảnh quan trong vùng để làm du lịch. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình sản xuất, kinh doanh này bị “phá sản”. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung cũng vì nguồn lực tự thân không có, nhất là nguồn vốn lưu động phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không thường xuyên và thiếu bền vững. Hiện trên địa bàn Ea Súp, không riêng gì Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh rơi vào hoàn cảnh bế tắc ấy, mà các công ty còn lại như Ya Lốp, Rừng Xanh, Ea H’mơ… cũng có chung số phận. Ông Nguyễn Văn Hụt - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp than thở: cũng vì nguồn vốn không có, phần lớn anh em công nhân trong công ty đều khó khăn khiến việc huy động đóng góp để làm ăn với nhau trên vốn đất, rừng được Nhà nước giao là không phải chuyện dễ dàng. Việc hoạch định, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng từ đó mà trở nên cầm chừng, không mở rộng gì được thêm ngoài mô hình vài chục con bò nuôi thả dưới tán rừng. Kinh phí ít ỏi được cấp phục vụ cho bộ máy quản lý, bảo vệ rừng hàng năm, dè xẻn lắm cũng đủ chi hoạt động hành chánh thường xuyên, chứ không tìm đâu ra nguồn đầu tư nào để vươn lên được. Vì thế, thu nhập của công nhân nhiều khi không bảo đảm, lắm lúc nợ lương anh em vài tháng là không tránh khỏi. Nói thêm về vấn đề này, ông Hà Công Bình - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho rằng, hầu hết các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đứng trước nguy cơ“đổ bể” thật sự. Ngoài 4 công ty lâm nghiệp ở Ea Súp, các công ty còn lại như Ea H’Leo, Ea Wy, Thuần Mẫn (huyện Ea H’Leo), Phước An (Krông Pak), Buôn Wing (Cư M’Gar) cũng nằm trong “tốp” đáng lo ngại đó.
Rừng vừa mới trồng được một năm ở huyện Ea H’leo (Ảnh: Lê Hương) |
Đó là câu “tự vấn” không những làm đau đầu những người có trách nhiệm tại các công ty lâm nghiệp, mà còn làm nản lòng cho những ai quan tâm đến lĩnh vực phát triển lâm nghiệp của Dak Lak hiện nay. Tại nhiều phiên họp của tỉnh và các sở, ngành liên quan, để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề trên vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Y D’hăm đánh giá: ngoài các yếu tố như nguồn vốn, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… trong các công ty lâm nghiệp còn yếu và hạn chế, thì còn có sự thiếu năng động và ý chí tự quyết trong từng đơn vị doanh nghiệp, đã khiến khối kinh tế vốn đầy tiềm năng và thế mạnh này không đạt những kết quả như mong muốn. Cần nghiêm túc rà soát, đánh giá lại năng lực của các công ty để đưa ra chương trình, giải pháp phát triển hợp lý.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc