Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm bình ổn thị trường, kiềm chế nhập siêu

10:42, 10/08/2010
Tại buổi  giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 9-8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: Kết quả nổi bật trong lĩnh vực công thương từ đầu năm đến nay là thị trường nội địa tăng trưởng đều và cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành công thương trong tháng 8 và những tháng cuối năm 2010 rất nặng nề, nhất là về xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu.

Thị trường nội địa tăng trưởng mạnh

Hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng lựa chọn
Chương trình giới thiệu "Hàng Việt nam chất lượng cao"  thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay hoạt động của ngành công thương có bước phát triển, sản xuất công nghiệp, thị trường trong nước và dịch vụ tăng trưởng khá, nhập siêu ở tháng thứ 2 liên tiếp giữ được mức ổn định và thấp hơn 20% so với xuất khẩu. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng đều và cao của thị trường nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng qua đạt 877,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Giá cả tháng 7 có mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và cũng là thấp nhất cùng kỳ của 6 năm trở lại đây. Lĩnh vực thương mại không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường, tiêu thụ tốt hàng hóa, nông sản, không để xảy ra sốt giá mà còn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của việc tiêu thụ hàng nội địa với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai rộng khắp trong cả nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Thị trường trong nước bảo đảm cân đối cung cầu, không để sốt giá, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh đã làm rất tốt chương trình bình ổn giá với việc dành hơn 500 tỷ đồng và lập 11.000 điểm bán hàng bình ổn giá có đăng ký. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu nhân rộng mô hình này trên cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
Được biết, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch bình ổn giá đến hết 31-12-2011 và qua Tết âm lịch của năm 2011 để tạo tâm lý bình ổn giá cả 8 mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Điều này đã làm lan tỏa đến các mặt hàng khác, giúp cho chỉ số CPI của TP. Hồ Chí Minh giảm thấp nhất trong nhiều năm qua, các DN cũng yên tâm trong kinh doanh, chủ động tìm và liên kết với các tỉnh để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường.

Còn nhiều khó khăn


Bên cạnh kết quà đã đạt được, Bộ Công Thương nhìn nhận: Thực tế, một số địa phương và ngành nghề cũng đang vướng phải nhiều khó khăn, rất cần sự tháo gỡ kịp thời để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trong năm.
Một vấn đề khá nóng là tình hình xuất khẩu gạo. Nếu như đầu tháng 7-2010 các DN còn đang dốc toàn lực để mua gạo dự trữ nhằm bảo đảm giá bán có lãi cho nông dân thì 20 ngày còn lại của tháng 7 và đến nay giá gạo đã tăng đáng kể, thị trường lúa gạo trong nước có nhiều diễn biến khó lường. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Lượng hàng ký kết hợp đồng xuất khẩu còn rất lớn mà lượng hàng hóa còn lại cho XK hạn chế, đặc biệt là XK gạo theo đường tiểu ngạch đang tăng cao, do đó rất khó đạt mục tiêu xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo. Hiện XK gạo theo đường tiểu ngạch có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực, VFA đề nghị Bộ Công Thương cần có kiểm tra và định hướng để Hiệp hội có kế hoạch XK những tháng cuối năm.
Đại diện các ngành cũng nêu khó khăn về việc mở rộng thị trường xuất khẩu, về vốn kinh doanh khi tỷ giá và ngoại tệ đang diễn biến căng thẳng; kiến nghị Bộ Công Thương cần ban hành hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu nhằm góp phần bình ổn thị trường nội địa.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế nhập siêu


Thực tế đó cho thấy, những tháng cuối năm của ngành sẽ gặp nhiều khó khăn về sản xuất, xuất khẩu và nhất là nhập siêu. Về sản xuất: Giá cả những nguyên liệu và chi phí đầu vào của thế giới có nhiều biến động theo hướng tăng, nhiều mặt hàng XK giá tăng nhưng thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào, nhu cầu gối đầu dự trữ sản xuất cho kế hoạch năm 2011 góp phần tăng chi phí và liên quan đến nhập khẩu. Về XK, một số mặt hàng thủy sản, nông sản…đang có dấu hiệu cảnh báo do gian lận về chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng XK Việt Nam; nhiều mặt hàng đã tới hạn nhưng không còn để xuất …Về nhập khẩu và kiểm soát nhập siêu tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa ổn định, có thể biến động do cuối năm khả năng nhập khẩu nhiều hơn.
Trong nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, phải thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế nhập siêu, tiếp tục quán triệt chủ trương của Chính phủ, chỉ nhập những thứ cần thiết mà trong nước chưa sản xuất được hoặc không đủ; các tập đoàn, tổng công ty và sở công thương cần kiểm soát những mặt hàng không cần nhập khẩu; tăng cường sử dụng hàng trong nước sản xuất; trong việc đấu thầu phải yêu cầu các nhà thầu dùng thiết bị trong nước. Với thị trường trong nước, cần bình ổn giá và bảo đảm cân đối cung cầu, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Về vấn đề XK gạo, Vụ Xuất nhập khẩu khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bảo đảm tiêu thụ hàng hóa cho nông dân về giá, không để tồn đọng, bảo đảm an ninh lương thực; Hiệp hội và các tổng công ty tăng cường dự trữ lượng gạo cần thiết, không để xảy ra biến động.
H.H (Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc