“Bơm” vốn ra thị trường
Tính đến hết tháng 6-2010, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 25.420 tỷ đồng, tăng hơn 7,7% so với đầu năm. Kết quả này cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của toàn quốc, nhưng nếu chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh thì đây lại là con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…
Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Dak Lak, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 6-2010 đạt gần 10.300 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước đạt 26,4%). Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng (NH), hoạt động huy động vốn của các NH trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2010 đã thu được nhiều kết quả ấn tượng, là địa phương có kết quả huy động vốn tại chỗ lớn nhất khu vực Tây Nguyên và đồng thời cũng là lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Theo đánh giá chung, kết quả huy động vốn nửa đầu năm 2010 đạt cao nhờ các NH đã đẩy mạnh công tác huy động vốn với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn như: tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm rút gốc linh hoạt, gửi tiền trúng tiền… nên thu hút được khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của nhiều NH trên địa bàn, ẩn chứa đằng sau con số này là những bất ổn, trong đó đáng kể nhất là tại sao người có tiền không đầu tư phát triển sản xuất mà lại gửi vào NH để hưởng lãi suất (LS) dù ai cũng biết rằng đây là mức lợi nhuận không hấp dẫn. Về vấn đề này, đại diện một số khách hàng vay vốn cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đáng kể nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, dẫn đến nhu cầu vay vốn NH giảm; hầu hết các chi nhánh NH trên địa bàn đều bị hội sở giao chỉ tiêu huy động vốn và chỉ được phép sử dụng một lượng vốn nhất định trong số đã huy động được để cho vay khiến các chi nhánh này khó khăn về nguồn vốn cho vay.
Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak. |
Tình trạng LS tiền vay cao đe dọa đến sự tăng trưởng của nền kinh tế đã và đang được các NH đưa ra “mổ xẻ”, tìm kiếm giải pháp thông đường “bơm” vốn ra thị trường. Một trong những động thái tích cực là đầu tháng 7 vừa rồi, các chi nhánh NH thương mại trên địa bàn đã cam kết đồng thuận điều chỉnh giảm dần LS cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng cũng như nguồn vốn của chi nhánh. Riêng 3 đối tượng gồm: khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN xuất khẩu, DN sản xuất nhỏ và vừa sẽ được xếp vào diện ưu tiên, áp dụng mức LS thấp hơn các khách hàng khác và dần giảm xuống khoảng 12%/năm vào những tháng cuối năm 2010. Thực hiện cam kết này, các NH trên địa bàn đã điều chỉnh giảm LS cho vay xuống mức 15%/năm đến 17%/năm; riêng 3 đối tượng ưu tiên trên đã được áp dụng mức LS thấp hơn, khoảng 13,5%/năm đến 15%/năm. Ngoài ra, một số NH cũng đưa ra mức lãi suất khá thấp so với mặt bằng chung để áp dụng đối với các khách hàng truyền thống, uy tín, có dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao…
NH Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra 9 định hướng nhiệm vụ chính cho 6 tháng cuối năm. Trong đó có nhiệm vụ điều tiết mặt bằng LS thị trường theo hướng giảm dần thông qua các biện pháp: Tăng lượng tiền cung ứng; ổn định các mức LS cơ bản và LS tái cấp vốn, LS tái chiết khấu, LS nghiệp vụ thị trường mở và LS hoán đổi ngoại tệ; tăng thêm khối lượng vốn giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn và LS hợp lý; tiếp tục cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ các NH thương mại mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Hiệp hội NH Việt Nam thúc đẩy các NH thương mại thực hiện đồng thuận về LS huy động và cho vay theo hướng giảm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ. |
Ý kiến bạn đọc