18:10, 08/08/2010
Sau một năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sức tiêu thụ nội địa có sự tăng trưởng đáng kể . Để tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động, rất cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Vấn đề này được đưa ra bàn luận tại cuộc họp giữa các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp vào ngày 6-8 tại Hà Nội nhằm tìm ra các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt.
Nâng cao sức cạnh tranh
 |
Nhiều sản phẩm bánh kẹo sản xuất trong nước được người tiêu dùng lựa chọn |
Bà Phạm Thị Loan, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH khẳng định: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương đúng hướng của Bộ Chính trị, là quốc sách để có chính sách, hướng đi, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được cơ hội này, nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng và giá thành sản phẩm thì mới có được chỗ đứng trên sân nhà. Đề cập đến thực tế hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập tại thị trường Việt Nam đã và đang là nguy cơ lớn cho nhà sản xuất, bà Phạm Thị Loan đưa ra so sánh: Trong khi đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất thấp thì nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam lại bằng toàn bộ giá trị nhập siêu từ tất cả các nước khác. Những hàng hóa, các nhà thầu từ Trung Quốc với hàng hóa có giá rẻ còn thấp hơn giá thành sản xuất, thậm chí thấp hơn cả giá nguyên vật liệu, đang thực sự đe dọa hàng hóa trong nước.Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là sản phẩm thô: gạo, nông thủy sản, khoáng sản, trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, thậm chí hàng tiêu dùng - những hàng hóa trong nước đã sản xuất rất tốt.
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả hơn nữa, bà Loan cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải ý thức được sự cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh từ Trung Quốc; phải tự nâng cao chất lượng, uy tín, khả năng cạnh tranh để chứng minh với người tiêu dùng là sản phẩm tốt, chất lượng tương đương nước ngoài nhưng giá cả lại phù hợp với sức mua của người Việt; người tiêu dùng cũng cần ý thức việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hàng hóa, tạo việc làm cho lao động trong nước. Còn chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, lãnh đạo phải là tấm gương dùng hàng Việt để dân noi theo.Tuy mấy năm gần đây hàng Việt Nam xuất ra thế giới rất nhiều, kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể, nhưng hàng xuất khẩu của ta phần lớn có giá trị gia tăng thấp, nền kinh tế vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, muốn khắc phục tình trạng nhập siêu, rất cần sự giáo dục thường xuyên, liên tục và lâu dài, mà đối tượng giáo dục đầu tiên là những nhà hoạch định chính sách, vì những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn.Tiếp đến, phải nâng cấp doanh nghiệp, vì hàng Việt Nam chất lượng không tốt, giá không hợp lý, khâu phân phối kém thì người tiêu dùng không thể tìm đến…
Phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng
 |
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Cư Kuin |
Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Người tiêu dùng rất cần thông tin trung thực của hàng hóa dịch vụ để tránh hàng xấu, hàng nhái, hàng giả; cần được kích thích tinh thần yêu nước thông qua hành vi mua sắm và sử dụng hàng nội, đồng thời được hướng dẫn về thị hiếu, phong cách tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm; từ đó giảm bớt chi tiêu cho những loại hàng ngoại xa xỉ, đắt tiền mà hướng về hàng nội có công dụng thiết thực và hợp túi tiền. Một việc quan trọng nữa là tổ chức một mạng lưới phân phối thuận tiện cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tổ chức đưa hàng về nông thôn để bán cho nông dân, tổ chức Hội chợ hàng Việt ngay tại Lạng Sơn là nơi chủ yếu bán hàng Trung Quốc. Đây là một việc làm rất tốt và đã thu được kết quả đáng ghi nhận, góp phần đưa doanh thu hàng tiêu dùng trong nước năm 2009 tăng trưởng 19%, 5 tháng đầu năm 2010 là 26%. Tuy nhiên, việc làm này chưa thường xuyên và chưa trở thành nền nếp; hàng về nông thôn chủ yếu mới đến huyện chứ chưa vươn tới được vùng sâu, vùng xa, là nơi thực sự cần được phục vụ; mặt hàng chủ yếu vẫn là những mặt hàng doanh nghiệp có sẵn chứ chưa nghiên cứu và đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng nông thôn.
Thực tế đó đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều phía, nhất là doanh nghiệp và người tiêu dùng, mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, lợi ích cho mọi người dân.
H.H
(Nguồn: CTO)
Ý kiến bạn đọc