Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phát triển cao su tiểu điền ở Ea H’leo

09:57, 07/08/2010

Đến tháng 6-2010 trên địa bàn huyện Ea H’leo đã có 1.028 ha với 408 hộ trồng cao su tiểu điền. So với 500 ha năm 2006, con số trên cho thấy, phát triển cao su tiểu điền là một trong những hướng đi đầy tiềm năng trong đa dạng hóa nông nghiệp của địa phương này.

Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp phát triển cao su tiểu điền (CSTĐ) và thâm canh đa dạng hóa nông nghiệp (ĐDHNN) được triển khai tại huyện Ea H’leo năm 2001. Với mục tiêu sử dụng có hiệu quả quỹ đất và tạo công ăn việc làm cho địa phương; tăng cường và ổn định thu nhập của nông dân; thực hiện xóa đói giảm nghèo và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Huyện Ea H’leo cùng với  Krông Năng, Krông Buk, Cư M’gar, được UBND tỉnh Dak Lak phê duyệt trong vùng dự án. Mặc dù là huyện triển khai muộn hơn so với các địa phương khác, nhưng đến nay Ea H’leo lại được đánh giá là địa phương thực hiện tốt việc nhân rộng mô hình, phát triển CSTĐ hậu dự án. Sau 5 năm triển khai, kết thúc dự án, toàn huyện có 506 ha CSTĐ với 153 hộ gia đình tham gia, thì đến năm 2010 (hơn 4 năm sau dự án), tổng diện tích cao su đã phát triển 1.028 ha với 408 hộ gia đình tham gia và cũng là huyện đứng đầu tỉnh về diện tích CSTĐ. Một trong những hộ gia đình hưởng ứng tích cực phong trào trồng CSTĐ “hậu” dự án, anh Y Bliu Êban ở buôn Đung B (xã Ea Kpal) cho biết: “5 ha cao su đang chuẩn bị cho thu hoạch mà  gia đình anh hiện có là nhờ vào sự mạnh dạn hưởng ứng phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 5 năm trước. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất rẫy đã bạc màu sang trồng CSTĐ. Những ngày đầu, gia đình gặp khá nhiều khó khăn bởi giai đoạn kiến thiết cơ bản, đầu tư cho 1 ha cao su khoảng 15-20 triệu đồng/ha. Thiếu vốn, mình phải nhờ đến sự hỗ trợ của bà con dòng dọ, rồi trồng xen canh ngô, sắn để lấy ngắn nuôi dài. 5 ha cao su giờ đã trở thành tài sản lớn nhất của gia đình và có thể dựa vào nó để làm giàu!”

Vườn cao su của gia đình anh Y Bliu Êban.
Vườn cao su của gia đình anh Y Bliu Êban.
Theo kết quả kiểm tra, giám sát kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea H’leo, chất lượng vườn cây CSTĐ tương đối đồng đều, trong đó tốt chiếm khoảng 20%, khá - trung bình chiếm 78 %, còn loại kém chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ khoảng 2%. Điều này cho thấy phát triển CSTĐ trong dân đang là hướng đi tích cực của ngành nông nghiệp của địa phương. Trong khi quỹ đất hạn hẹp, chủ yếu phải lấy từ đất rừng nghèo mà không phải vùng nào cũng có chất đất thích hợp cho việc trồng cao su, thì phong trào phát triển CSTĐ ở đây được xem là một giải pháp hiệu quả góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình trồng mới 30.000 ha cao su của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc tận dụng, khai thác tối đa diện tích đất chuyển đổi từ cây công nghiệp kém hiệu quả và khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu năng suất thấp để phát triển cao su tiểu điền cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do suất đầu tư cho cao su khá cao, ở điều kiện thổ nhưỡng bình thường chi phí bình quân 1 ha cao su trong chu kỳ kiến thiết cơ bản (7- 8 năm) khoảng 60 triệu đồng. Cho nên, để khuyến khích người dân thì cần có những cơ chế, chính sách về tín dụng phù hợp.

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc