Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới trong chăn nuôi bò ở M’Drak

09:12, 06/08/2010

Những đồng cỏ bạt ngàn trên thảo nguyên rộng lớn là điều kiện rất thuận lợi để huyện M’Drak phát triển chăn nuôi bò thịt. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò bằng hình thức nuôi bán công nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi hướng tới xây dựng thương hiệu bò núi M’Drak.

Huyện M’Drak có diện tích 133.628 ha, trong đó hơn 30.000 ha đồng cỏ tự nhiên. Bên cạnh đó là 370 ha diện tích cỏ tự trồng (dự kiến cuối năm 2010 sẽ đạt 500 ha) giống cỏ voi, cỏ AB… Tận dụng nguồn cỏ dồi dào này, hàng ngàn nông dân M’Drak đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi bò với quy mô lớn. Tuy nhiên, phần lớn các hộ nuôi bò theo hình thức chăn thả tự do nên hiệu quả chưa cao. Đến nay đàn bò của huyện có hơn 23.000 con, trong đó giống bò lai chiếm tỷ lệ 37%, hàng năm đóng góp 26% sản phẩm nông nghiệp của huyện, tập trung nhiều nhất ở các xã: Krông Jing (5.000 con), Ea Trang (3.000 con), Cư San (2.300 con)…

Vài năm trở lại đây, huyện M’Drak có chủ trương phát triển đàn bò nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng chất lượng sản phẩm bò thịt với mục tiêu đến cuối năm 2010, tổng đàn bò đạt số lượng 40.000-45.000 con. Để thực hiện chủ trương này, lãnh đạo huyện khuyến khích nông dân các địa phương mở rộng diện tích đồng cỏ, mạnh dạn tăng số lượng đàn bò và chuyển dần sang hình thức nuôi bán công nghiệp.

Chăn nuôi bò đang được chú trọng phát triển ở xã Ea Trang.
Chăn nuôi bò đang được chú trọng phát triển ở xã Ea Trang.
Từ năm 2004 đến nay, huyện đã cung cấp 100 con bò đực giống cho các hộ có số lượng đàn bò lớn nhằm cải tạo con giống. Trong hai năm 2008 – 2009, hỗ trợ 120 con theo chương trình trợ giá trợ cước cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và một số lượng bò giống theo các chương trình khác như 134, 135… Bên cạnh đó là việc triển khai lai tạo nhân giống để tăng số lượng và chất lượng đàn bò bằng các giống  chất lượng cao. Phòng Nông nghiệp huyện cũng xây dựng mô hình vỗ béo đàn gia súc ở Krông Jing và Cư Cróa; mô hình chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn hỗ trợ cho bò ở các địa phương để nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm; Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc quy mô lớn, kỹ thuật lên men, chế biến thức ăn hỗn hợp cho bò và các biện pháp phòng chữa bệnh gia súc; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc và chế biến nông sản làm bàn đạp cho chăn nuôi … Nhằm hướng đến nền chăn nuôi bền vững, lãnh đạo huyện M’Drak kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân. Trong tương lai, mục tiêu của huyện là nâng cao chất lượng đàn bò và sản phẩm chế biến từ bò thịt tạo thành một sản phầm nông nghiệp giá trị và có thương hiệu cho vùng đất này. Hiện nay trên địa bàn huyện, Ea Trang là một trong những địa phương nuôi bò phát triển mạnh với số lượng hơn 3.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai  chiếm 30% tổng đàn. Năm 2007, địa phương được hỗ trợ 300 con bò giống chất lượng cao từ chương trình trợ giá trợ cước cho đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ để lai tạo, nâng cao số lượng và chất lượng đàn bò. Bình quân mỗi hộ nuôi 5 con bò, trong đó nhiều hộ nuôi với quy mô lớn. Anh Ama Nhem (buôn Thi) là hộ nuôi bò nhiều nhất với gần 30 con bò thịt và sinh sản, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để tăng giá trị cho nghề chăn nuôi, chính quyền địa phương đã vận động thương lái các nơi mua bò của bà con với giá hợp lý nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Hằng năm, chăn nuôi bò đã đóng góp khoảng 15% vào tổng thu ngân sách của địa phương.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc