Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar:

Hiệu quả từ việc đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê

08:05, 10/08/2010

Những năm gần đây, huyện Cư M’gar đã thực hiện việc đa dạng hóa các cây lâu năm trong vườn cà phê và đạt được những kết quả tích cực, người nông dân có được thu nhập cao hơn nhiều trên cùng một đơn vị diện tích so với độc canh cây cà phê như trước đây.

Việc đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê được triển khai mạnh từ năm 2006 theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện ở tất cả các địa phương. Đối tượng chủ yếu để thực hiện việc chuyển đổi này là những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp và những vùng chuyên canh cà phê mà đất xấu hay trình độ canh tác của đồng bào không cao. Các loại cây ăn quả chất lượng cao như mít nghệ, bơ ghép, sầu riêng, xoài… và cây công nghiệp lâu năm như tiêu, ca cao, điều… được trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 150 - 250 cây tiêu leo trụ sống hay 350 cây tiêu leo trụ chết, 90 cây sầu riêng trên 1 ha cà phê đã cho thu hoạch. Để thực hiện chủ trương này, Phòng nông nghiệp và Trạm khuyến nông huyện đã triển khai 15 – 20 lớp tập huấn ở các địa phương mỗi năm về công tác bảo vệ thực vật, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc các loại cây; đồng thời tổ chức cho bà con nông dân tham quan học tập mô hình thâm canh trong vườn cà phê. Đến nay, trên diện tích khoảng 35.000 ha toàn huyện đã trồng xen hơn 500 ha tiêu, 4.500 ha điều và 8815 ha cây ăn quả các loại. Các địa phương làm tốt chủ trương này là Quảng Hiệp, Cư M’gar, Cư Dliê M’nông, thị trấn Quảng Phú… Kết quả của việc xen canh này là trên cùng một đơn vị diện tích, chi phí đầu tư giảm 10%, hiệu quả kinh tế mang lại tăng lên 20%.  Bên cạnh đó, nó cũng tăng cường đa dạng sinh học, giảm lượng nước tưới và tiết kiệm phân bón nhờ các loại cây hấp thụ tối đa. Ông Trần Tuấn Ngọc, Phó trưởng phòng NN – PTNT huyện Cư M’gar cho biết, việc đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê không làm giảm nhiều năng suất cà phê bình quân 2,8 – 3 tấn/ha mà tăng cường cơ cấu cây trồng đa dạng trong nền nông nghiệp bền vững. Huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nông dân các địa phương mở rộng mô hình này nhằm nâng cao thu nhập.

Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của anh Lưu Văn Hiệp cho nhiều quả.
Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của anh Lưu Văn Hiệp cho nhiều quả.

Ông Phan Thế Chức ở thôn 2, xã Cư M’gar trồng xen hơn 100 cây sầu riêng, 100 cây tiêu leo trụ sống và chết cùng một số cây bơ sáp, chôm chôm trong 1,8 ha cà phê. Sau 3 năm thực hiện việc này, thu nhập hàng năm của gia đình ông từ cây cà phê vẫn ổn định ở mức hơn 100 triệu đồng và thêm 50 – 70 triệu đồng từ các loại cây trồng xen. Ông Chức cho biết, trồng xen các loại cây trong vườn cà phê tuy có tăng công chăm sóc nhưng giảm được lượng phân bón và nước tưới, thu nhập thì cao hơn.

Cư Dliê M’nông là địa phương có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng nhờ việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê của huyện. Cả xã có hơn 3.000 ha cà phê được trồng xen gần 90 ha cây ăn quả các loại, 4 ha tiêu và một số cây khác như muồng đen, điều, cam sành và bơ. Anh Lưu Văn Hiệp (thôn 6) có 5 ha cà phê đang cho thu hoạch được trồng xen thêm 200 cây sầu riêng và 500 cây tiêu. Ngoài việc năng suất cà phê vẫn đạt 3 tấn/ha, mỗi năm ông còn thu về hơn 15 triệu đồng/ha nhờ các loại cây này. Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, do đất đai ở đây không tốt bằng các địa phương khác trong huyện, trình độ canh tác của đồng bào tại chỗ cũng còn hạn chế nên lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo bà con trồng xen các loại cây trong vườn cà phê để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Văn Trình, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar cho biết, sau 5 năm triển khai, chủ trương đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê đang đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương trong toàn huyện và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương này, đưa vào trồng thêm các loại cây ăn quả chất lượng cao và các loại cây công nghiệp lâu năm phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc