Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drak: Tiếp tục phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh và văn minh

18:51, 03/08/2010

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện khí hậu, đất đai không mấy thuận lợi, trình độ dân trí thấp, trên 40% dân số là người dân tộc thiểu số song trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện M’Drak đã nỗ lực đạt được những thành tích đáng biểu dương: kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng cao, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đây chính là tiền đề giúp M’Drak có điều kiện phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh và văn minh.

Nằm ở cửa ngõ phía đông của tỉnh, tiếp giáp với huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), M’Drak có diện tích tự nhiên 133.628 ha gồm 12 xã và 1 thị trấn với dân số trên 65 nghìn người, trong đó trên 44% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi, M’Drak cũng gặp không ít khó khăn như: tác động của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; giá cả, thời tiết diễn biến không thuận lợi nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy nội lực là chính, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đã đề ra.

Toàn cảnh thị trấn M'Drak hôm nay. (Ảnh: Tiến Lâm)
Toàn cảnh thị trấn M'Drak hôm nay. (Ảnh: Tiến Lâm)

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung sức lực, trí tuệ đẩy mạnh kinh tế các ngành, các vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Huyện đã kịp thời khắc phục những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; chủ động đề ra các kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cho sản xuất từng mùa vụ. Nhờ vậy, diện tích, năng suất, sản lượng bình quân hằng năm đều tăng. Nếu tổng diện tích gieo trồng của huyện năm 2005 mới đạt 19.045 ha thì đến nay đã tăng lên 25.474 ha, tăng 10,7% so với Nghị quyết, năng suất lúa nước đạt 59,16 tạ/ha, tăng 4,16 tạ/ha so với đầu nhiệm kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt 57.651 tấn/năm, tăng 17.731 tấn so năm 2005. Các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà như: bò lai, lúa lai, ngô lai, cây mía và đậu đỗ các loại. Lâm nghiệp được xác định là thế mạnh của huyện. Các nông, lâm trường trên địa bàn huyện đã cơ bản được chuyển đổi cơ chế quản lý mới, từ lâm, nông trường sang công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp và đơn vị sự nghiệp; đổi mới cơ chế khoán, tăng mức hỗ trợ trong lâm nghiệp nên đã thu hút được các nguồn vốn cho phát triển rừng, nhất là trong công tác trồng rừng và khoán quản lý bảo vệ rừng, xã hội hóa nghề rừng. Nhờ vậy, độ che phủ rừng trên địa bàn huyện không ngừng tăng theo từng năm, từ 46% năm 2005 đến nay đã tăng lên 51,6%. Lợi ích từ trồng rừng đã mang lại hiệu quả xã hội hết sức quan trọng, kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng ngày một phát triển thu hút được nhiều lao động, cải thiện đời sống và thu nhập cho nhân dân, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được huyện tiếp tục xác định là một thế mạnh trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển các ngành nghề truyền thống được coi là thế mạnh của địa phương như: sản xuất gạch, ngói tuy nen; khai thác cát đá; mây tre đan xuất khẩu và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ bình quân đạt gần 30%/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh, tập trung vào các công trình như: điện, đường, trường, trạm. Một số tuyến giao thông quan trọng như đường đông Trường Sơn, giao thông tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn đang được đầu tư cải tạo và nâng cấp; quy hoạch thị trấn và các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch cụm công nghiệp, dự án du lịch sinh thái Dray K’Nao, xây dựng mạng lưới bưu chính, viễn thông được đẩy mạnh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 13,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,08 triệu đồng/người/năm, tăng 3,58 triệu đồng so với Nghị quyết Đại hội VIII đề ra. Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2005, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện gần 8 tỷ đồng, đến nay, đã đạt trên 12 tỷ đồng, tăng trên 10% so Nghị quyết Đại hội VIII đề ra.
Nhờ thực hiện Nghị quyết Đại hội 8 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2005-2010, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mấy năm gần đây, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực, giải quyết công ăn, việc làm và cho thu nhập cao đến nhiều hộ dân ở M'Drak. (Ảnh: T.L)
Nhờ thực hiện Nghị quyết Đại hội 8 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2005-2010, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mấy năm gần đây, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực, giải quyết công ăn, việc làm và cho thu nhập cao đến nhiều hộ dân ở M'Drak. (Ảnh: T.L)

Văn  hóa – xã hội ngày càng phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, hiện nay 13/13 xã, thị trấn của huyện đều có trạm y tế, 8/13 trạm đã có bác sĩ, 12/13 xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, đến nay toàn huyện có 45 đơn vị trường học, tăng 11 trường so với đầu nhiệm kỳ, bình quân mỗi năm học thu hút trên 17 nghìn học sinh đến trường, trong đó có gần 8 nghìn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số; 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn, trong đó có nhiều giáo viên trên chuẩn. Công tác thông tin, tuyên truyền luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, mạng lưới thông tin liên lạc phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Truyền thanh, truyền hình huyện và cơ sở đều được duy trì hoạt động thường xuyên, 13/13 xã thị trấn đã có đài truyền thanh, diện phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt trên 95% địa bàn dân cư. Các chương trình 132, 134, 135, 159, 139, 168, 167… được triển khai có hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đến năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 13,31%, giảm 17,29% so đầu nhiệm kỳ và dự kiến đến cuối năm 2010 còn 9,31%. Việc thực hiện chính sách xã hội được quan tâm, chú trọng. Những ngày lễ tết, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, tặng quà cho các gia đình liệt sĩ thương binh, gia đình có công với cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình tại ngũ. Làm tốt công tác kết nghĩa buôn thôn.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và nâng cao về cả số lượng và chất lượng. Đảng bộ huyện hiện có 48 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng (tăng 13 TCCS đảng so với năm 2005) với trên 1.800 đảng viên. Nhiều TCCS đảng nhiều năm liền được huyện, Tỉnh ủy công nhận đơn vị trong sạch vững mạnh. Đảng bộ huyện luôn phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, thường xuyên chăm lo khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đề ra nhiệm vụ đúng đắn phù hợp. Hệ thống chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn và các thôn buôn được xây dựng vững mạnh. Toàn huyện hiện nay có 173 thôn buôn đều hoạt động có hiệu quả. Hoạt động của HĐND huyện và cơ sở đã phát huy được quyền làm chủ nhân dân, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng đã góp phần tích cực vào việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, góp phần làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo cho 48/48 TCCS Đảng trực thuộc tiến hành thành công Đại hội. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua 4 năm đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất lối sống trong cán bộ, đảng viên được nâng lên. Hiện nay, thực hiện Cuộc vận động với chuyên đề về “Xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh” đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tác động tích cực đến đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện M’Drak tiếp tục duy trì và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ, trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân trên 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5-3%; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Đào Hồng Thịnh (Bí thư Huyện ủy M’Drak)

 

 


Ý kiến bạn đọc