Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho buôn "sáu không"

09:08, 06/08/2010

Tại huyện Lak, có một buôn đồng bào Mông nằm cách trung tâm xã Dak Nuê khoảng 35 km phải sống trong cảnh “sáu không”: không tên - điện – đường – trường – trạm và không chợ, nay UBND tỉnh đã có Quyết định số 2339/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Quy hoạch bố trí khu dân cư với tổng vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2009 – 2015. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn sẽ mang lại sự đổi thay cho những người dân nghèo nơi đây.

Đường vào buôn phải đi qua những cây cầu tạm trơn trượt.
Đường vào buôn phải đi qua những cây cầu tạm trơn trượt.

Theo thống kê sơ bộ của xã, buôn hiện có 267 hộ, 1.327 nhân khẩu. Đường vào buôn là một lối mòn lầy lội, trơn trượt, hai bên mọc đầy lau lách, nhiều đoạn phải đi qua những cây cầu bằng gỗ bắc tạm bợ, đi không khéo là rơi xuống suối. Vừa vào buôn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những căn nhà được dựng tạm bằng tranh tre, nứa, lá nằm lẫn khuất giữa núi đồi. Mùa mưa, làng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống người dân chỉ quanh quẩn bên nương rẫy, mọi nhu yếu phẩm chủ yếu vẫn là  tự cung, tự cấp, đời sống còn thiếu thốn đủ thứ. Để có muối ăn, dầu thắp phải vượt mấy chục cây số ra tận ngoài huyện mua mới có. Cả buôn chỉ có một quán nhỏ bày bán mấy thứ lặt vặt của bà Lý Thị Đông. Nhìn vào quán hàng trống trơn, bà cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa, xe máy không thể đi lại nên chẳng lấy được thứ gì về bán cả”. Đối với những hộ đồng bào nơi đây, đói, rét họ chịu đựng được, nhưng cái mà họ sợ nhất chính là đau ốm, bởi mỗi lần có ai bị đau phải rất vất vả mới có thể đem ra Trạm y tế xã. Thành thử nếu lỡ có bị ốm, đau thì mọi người tự tìm lá rừng, cây rừng về chữa trị.
Không có trường học, những đứa trẻ chỉ biết quanh quẩn ở nhà.
Không có trường học, những đứa trẻ chỉ biết quanh quẩn ở nhà.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, gần như 100% người dân ở buôn  này đều mù chữ. Buôn có gần 50 trẻ em đến tuổi đi học, nhưng chỉ biết quanh quẩn ở nhà do không có trường lớp, giáo viên, chưa kể một số em đã học lớp ba, lớp bốn ở quê cũ Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái... phải “gác lại” việc học. Không trường, lớp, lũ trẻ chẳng biết làm gì ngoài việc theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhìn những đứa trẻ 4-5 tuổi phải theo cha, mẹ đi làm rẫy mà chúng tôi không khỏi quặn lòng. Thương những đứa trẻ trong buôn thèm khát cái chữ, anh Hà Văn Như (dân tộc Tày) đã tự nguyện hiến hai sào đất rẫy để làm trường. Trường dựng xong lại không có giáo viên, nên đành bỏ không. Ông Nguyễn Đình Ngọc cho biết, UBND xã đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện và Phòng Giáo dục – Đào tạo bố trí giáo viên về dạy, nhưng kẹt một nỗi, buôn chưa có tên trong bản đồ hành chính của xã nên chưa thể bố trí giáo viên về dạy được. Mặt khác, Dự án kéo điện về thôn, buôn cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã hoàn thành, nhưng đến nay hơn 200 hộ đồng bào nơi đây vẫn chưa có điện thắp sáng. Đèn dầu vẫn là phương tiện chiếu sáng chính. Vài ba hộ có điện thắp sáng bằng máy phát đặt dưới suối, nhưng cũng chập chừng lúc được, lúc không. Đời sống tinh thần người dân còn hết sức nghèo nàn. Trước chiếc tivi 14 inch đen trắng nhà anh Thào Sao Vả, gần 20 người già, trẻ đang háo hức chờ xem phim. Được một lúc, anh Vả từ dưới suối về và mở tivi lên cho mọi người xem, nhưng màn hình bị co giật liên tục do điện yếu.
Đời sống tinh thần nghèo nàn - gần 20 người tập trung xem ti vi chạy bằng đầu máy phát dưới suối tại nhà anh Thào Sao Vả.
Đời sống tinh thần nghèo nàn - gần 20 người tập trung xem ti vi chạy bằng đầu máy phát dưới suối tại nhà anh Thào Sao Vả.

Tưởng chừng cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây sẽ còn kéo dài, nhưng một niềm vui đang đến với họ khi ngày 3-9-2009 UBND tỉnh có Quyết định số 2339/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân di cư tự do và định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn từ năm 2009-2015 tại các tiểu khu 1407, 1409,1415 thuộc xã Dak Nuê và tiểu khu 1388 xã Dak Phơi, huyện Lak với tổng số vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Theo đó sẽ hình thành 2 khu định canh định cư (ĐCĐC). Khu ĐCĐC cho buôn người Nông tại chỗ với 105 hộ và khu ĐCĐC buôn người Mông cho 162 hộ. Bước đầu trong dự án này đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông vào thôn, trước mắt phục vụ việc đi lại của bà con trong mùa mưa năm nay.

 

Lệ Văn

 


Ý kiến bạn đọc