Multimedia Đọc Báo in

Làm nông thời @

16:54, 30/12/2011

Không chỉ quen với cái cuốc, cái cày mà nhiều nông dân bây giờ còn quen với việc sử dụng Internet để tìm thông tin về nông nghiệp, phục vụ cho việc sản xuất của mình. Điều này đã góp phần xây dựng hình ảnh mới của người nông dân trong thời hiện đại.

Nông dân lướt web
Say sưa với các trang web về nông nghiệp để tìm kiếm thông tin về sản xuất rau an toàn, ông Phan Đình Xuân, Phó chủ nhiệm CLB khuyến nông xã Ea Ô (huyện Ea Kar) vui vẻ cho biết, ông đang tìm các sản phẩm phục vụ cho sản xuất rau an toàn như phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, các phương pháp canh tác mới… để hướng dẫn cho thành viên trong CLB tiếp cận với những sản phẩm này trong sản xuất các loại rau theo tiêu chuẩn an toàn. Mặc dù, tiếp cận với Internet chưa lâu và cũng chưa thành thạo trong việc sử dụng, nhưng công cụ công nghệ thông tin này thực sự lôi cuốn ông, vì ở đó ông đã tìm thấy cả một kho tàng kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, kinh nghiệm sản xuất và các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… trong cả nước. Từ đó, ông có thể tra cứu, học tập và truyền đạt kiến thức cho bà con trong CLB. Ngay bản thân ông, từ những thông tin tìm được trên mạng đã phần nào giúp ông thành công trong việc gây dựng HTX rau an toàn, mở ra hướng canh tác mới cho bà con trồng rau trong vùng, giúp họ liên kết lại để sản xuất và ứng dụng khoa học, kỹ thuật một cách đồng bộ theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Cũng nhờ lên mạng, ông đã tìm được sản phẩm phân bón sinh học WEHG (Worldwise Enterprises HeavenGreens) phù hợp với mục tiêu sản xuất rau an toàn của HTX là tốt cho cây trồng và không gây hại đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng. Hiện các thành viên đều được ông khuyến khích và hướng dẫn ứng dụng sản phẩm này vào sản xuất rau thay thế cho các loại phân hữu cơ và đã đem lại hiệu quả tốt. CLB của ông có 23 thành viên, ngoài những kênh thông tin về kiến thức nông nghiệp từ tài liệu khuyến nông, truyền hình, phát thanh thì hầu hết các thành viên đã sử dụng được Internet để tìm kiếm những thông tin mình cần. Tuy mới tiếp cận, nhưng nông dân trong CLB đã nhận thấy được những tiện ích của nó, khai thác được nhiều thông tin bổ ích, thiết thực nhất để phục vụ cho công việc sản xuất của mình như: kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cà phê, ca cao, trâu bò.... Nhiều mô hình ứng dụng các loại giống mới trong chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong cả nước cũng được bà con tham khảo. Không chỉ có CLB khuyến nông ở xã Ea Ô, mà nhiều thành viên của CLB khuyến nông thôn 9, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) cũng đã tiếp cận được với Internet, dù đây được coi là thôn “vùng sâu, vùng xa” của thị trấn. Anh Trần Văn Tâm, thành viên của CLB chỉ cho chúng tôi thấy vườn tiêu xum xuê trái với diện tích 2 ha, cho hay, nhờ tìm hiểu các mô hình trồng giống tiêu trên mạng mà anh đã áp dụng thành công trên mảnh vườn nhà mình. Hiện đã có 400/700 gốc tiêu cho thu hoạch, đạt cho năng suất rất cao…

Anh Vũ Văn Phương, thôn 2, xã Cư Ni (Ea Kar), một trong những nông dân trẻ tuổi coi Internet là người bạn đồng hành trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Anh Vũ Văn Phương, thôn 2, xã Cư Ni (Ea Kar), một trong những nông dân trẻ tuổi coi Internet là người bạn đồng hành trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Cần phổ biến rộng hơn
Có thể thấy, hiện mạng thông tin điện tử không còn là sản phẩm độc quyền dành cho giới trí thức, mà nông dân “chân lấm tay bùn” cũng đã được tiếp cận và khai thác thông tin có hiệu quả. Tuy nhiên, việc phổ cập rộng rãi Internet cho nông dân vẫn chưa được chú trọng. Hiện trên địa bàn Dak Lak vẫn chưa có một chương trình phổ cập Internet nào dành cho nông dân, nên phần lớn nông dân đều tự mày mò hoặc được con cháu chỉ dẫn. Ông Nguyễn Văn Tập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) cho biết, việc tiếp cận Internet của nông dân trong xã còn gặp rất nhiều khó khăn vì số hộ có mắc Internet rất ít, thêm vào đó nông dân không được phổ cập Internet nên đã không khuyến khích được họ truy cập mạng. Trong khi đó, nhu cầu về thông tin thị trường, giống, phân bón, khoa học-kỹ thuật của nông dân rất lớn. Theo ông Phan Đình Xuân, Phó chủ nhiệm CLB khuyến nông Ea Kar thì đây là một thiệt thòi cho nông dân. Nếu nông dân có kiến thức, được truy cập mạng, tìm hiểu các phương thức làm ăn mới họ sẽ không mất công lặn lội đi xa để tìm hiểu, nhiều khi còn tốn thời giờ và tiền bạc mà lại không có hiệu quả. Và nếu nông dân Dak Lak được phổ cập kiến thức tin học để  trở thành những “nông dân @” thì sẽ tạo được sức bật cho nền nông nghiệp của tỉnh với những đột phá mới trong sản xuất cũng như liên kết làm ăn giữa tầng lớp nông dân trong nước với nhau và với các doanh nghiệp. Được biết, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội NDVN góp phần  thực hiện CNH-HĐH đất nước”, trong đó Hội xác định: việc ứng dụng công nghệ  thông tin cho nông dân là nhu cầu cấp thiết, giúp nông dân tiếp cận và nhanh chóng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đã có khá nhiều tỉnh đầu tư xây dựng triển khai các chương trình, các CLB truy cập Internet cho nông dân đem lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Mong rằng, nông dân Dak Lak cũng sớm được hưởng lợi khi có các chương trình này.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.