Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột: Nỗ lực “kéo” nông dân đến “sàn”

10:27, 27/02/2011

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà  phê Buôn Ma Thuột lần thứ  III, Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) sẽ khai trương sản phẩm giao dịch kỳ hạn. Song song đó, Trung tâm sẽ tổ chức một gian hàng tại Lễ hội để giới thiệu về cách thức hoạt động và các loại hình giao dịch hiện có của mình. Đây là những nỗ lực của Trung tâm nhằm “kéo” nông dân đến “sàn”…

Sau hơn 2 năm hoạt động, BCEC hiện có 60 thành viên, trong đó 21 thành viên kinh doanh, 3 thành viên môi giới và 36 thành viên đăng ký bán. Khối lượng giao dịch qua sàn đạt 739 tấn, chủ yếu theo phương thức thỏa thuận. Có thể nói, đây là những con số khá khiêm tốn so với sản lượng hàng trăm ngàn tấn cà phê nhân/năm của tỉnh ta. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Võ Thanh Châu, Phó Giám đốc BCEC, là do người nông dân chưa hiểu đầy đủ về phương thức hoạt động cũng như những tiện ích mà Sàn giao dịch cà phê mang lại.

Từ trước đến nay, nông dân đã quen với việc mua bán, ký gửi cà phê ở các đại lý thu mua với phương thức khá dễ dàng: Đại lý đến tận nhà thu gom hàng và đưa ra giá mua sau khi tự xem xét chất lượng cà phê của lô hàng; nông dân bán, nhận tiền ngay hoặc ký gửi sản phẩm cho đại lý, đợi đến khi được giá thì bán. Những giao dịch này thông thường không được lập bằng văn bản theo đúng quy định nên luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với người nông dân. Hàng loạt đại lý thu mua cà phê mất khả năng thanh toán, chủ đại lý bỏ trốn ôm theo nhiều tỷ đồng của nông dân trong thời gian qua đã nói lên điều đó. Ông Châu khẳng định: “Mặc dù người nông dân có tâm lý e ngại trước nhiều quy định của sàn giao dịch nhưng chính việc tuân theo những quy định ấy sẽ bảo đảm an toàn, minh bạch khi thực hiện các giao dịch mua bán ở đây”. Người nông dân mang cà phê đến sàn sẽ được  kiểm định chất lượng (phân theo từng loại, tiêu chuẩn chất lượng do Giám đốc BCEC quy định trong từng thời kỳ và trọng lượng của cà phê), sau đó BCEC cấp giấy chứng nhận về lô hàng được cất giữ tại đây, còn gọi là chứng thư gửi kho. Người nông dân có thể cất giữ chứng thư này hoặc đưa lên sàn khớp lệnh bán ngay hoặc mang đến các đơn vị ngân hàng mà BCEC công bố thực hiện cho vay đối với chứng thư gửi kho để vay tiền và chờ giá cà phê lên thì bán. Nhìn qua thì thấy thủ tục tại BCEC phức tạp, tuy nhiên, mọi giấy tờ này đều thể hiện rõ quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên tham gia và được công bố công khai, chuẩn bị sẵn sàng, nông dân chỉ tiến hành ký kết một lần. Về cách thức giao dịch, nông dân có thể trực tiếp thực hiện giao dịch bán cà phê tại BCEC với tư cách là thành viên đăng ký bán hoặc ủy quyền cho thành viên môi giới thực hiện toàn bộ mọi quy trình, thủ tục. BCEC có hệ thống kho trên 8.000m2 có sức chứa khoảng 15.000 tấn cà phê nhân cùng một thời điểm, một xưởng chế biến có diện tích khoảng 5.000 m2 với tổng công suất tương đương 150.000 tấn/năm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua bán, ký gửi cà phê của người sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên.

Giao dịch qua sàn tại BCEC.
Giao dịch qua sàn tại BCEC.

Trong quá trình hoạt động vừa qua, BCEC đã có những quy định điều chỉnh và bổ sung theo hướng sát với thực tế và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho thành viên của mình như: giảm khối lượng giao dịch từ 5 tấn/lô xuống còn 1 tấn/lô đối với giao dịch giao ngay. Về việc hỗ trợ nông dân ở những địa bàn xa, trong niên vụ 2010-2011, BCEC sẽ có những nhóm hỗ trợ thành viên về tận các vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh, chủ động tổ chức thuê xe vận chuyển cà phê về BCEC sau khi gom đủ lượng cà phê cho một xe tải. Trong tương lai, BCEC sẽ xây dựng hệ thống các kho và xưởng chế biến vệ tinh tại những vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, ngay từ năm 2009, BCEC bắt đầu xây dựng hệ thống các quy định và phần mềm cho sản phẩm giao dịch kỳ hạn (còn gọi là giao dịch giao sau hoặc giao dịch tương lai). Đây là giao dịch mua bán hợp đồng cà phê kỳ hạn niêm yết tại BCEC với mức giá xác định tại thời điểm giao dịch nhưng thanh toán và giao nhận hàng vào tháng giao hàng. Lợi thế của loại hình giao dịch này là khi tất cả các đối tượng này cùng tham gia giao dịch kỳ hạn trên BCEC thì giá tham khảo hằng ngày của Sàn trở thành mức giá chuẩn giúp người trồng cà phê, các công ty chế biến, xuất nhập khẩu cà phê chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời trở thành công cụ bảo hiểm giá cho các lô hàng được giao dịch mua bán ngoài thị trường truyền thống; ngoài ra, trong hợp đồng kỳ hạn tại BCEC, hàng hóa đều được quy chuẩn về khối lượng, chất lượng, bao bì, đóng gói theo chuẩn mực phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nên khả năng chuyển nhượng và thực hiện các giao dịch tiếp theo trong các hợp đồng đó là rất thuận lợi, ngay cả trên thị trường quốc tế, từ đó, bà con sẽ làm quen với các tiêu chuẩn cà phê niêm yết, và định hướng sản xuất theo mức giá và chất lượng cà phê do BCEC công bố. Mặt khác, loại hình giao dịch này còn mở rộng đối tượng khách hàng, tạo thêm kênh đầu tư đối với các nhà môi giới, kinh doanh giá cà phê, các nhà đầu tư tài chính...; hỗ trợ cho phương thức giao dịch giao ngay. Giao dịch kỳ hạn cũng là loại hình giao dịch đang được triển khai tại sàn giao dịch cà phê trên thế giới như Luân Đôn. Hiện nay, BCEC đã hoàn chỉnh hệ thống các quy định về cách thức giao dịch, quy cách hợp đồng kỳ hạn và chạy thử nghiệm phần mềm giao dịch để chuẩn bị chính thức khai trương vào ngày 11-3 sắp tới.

Với mục tiêu “kéo” được nhiều nông dân  đến “sàn”, công tác quảng bá, tuyên truyền được BCEC đặt lên hàng đầu. Trong năm 2010, BCEC đã tổ chức được 6 cuộc hội thảo phát triển thành viên tại TX.Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Ea H’leo, Krông Pak, Cư Kuin, Cư M’gar… thu hút hàng trăm nông dân tại các vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, BCEC còn tổ chức một số cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư dành cho các doanh nghiệp cà phê, các nhà đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán… tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh; biên tập phát hành bản tin, xây dựng website, cung cấp thông tin thị trường cà phê trong, ngoài nước miễn phí đến nông dân. Ông Võ Thanh Châu cho biết: “Phải mất nhiều thời gian để người nông dân, các công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê làm quen với những phương thức giao dịch qua Sàn vốn còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nhưng lại là phương thức giao dịch rất quen thuộc đối với các quốc gia khác trên thế giới và là điều kiện bắt buộc đối với các nước gia nhập WTO”.

Ngọc Thủy

 


Ý kiến bạn đọc