Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên: Đơn vị chủ lực nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê
Hiện nay, cả nước có trên 520.000 ha cà phê, trong đó, Tây Nguyên chiếm trên 90% diện tích, với sản lượng xuất khẩu mỗi năm từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới và có năng suất bình quân đạt vào loại cao nhất thế giới. Trong thành tựu chung của ngành cà phê Việt Nam có sự đóng góp của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên, đơn vị chủ lực trong việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống mới đến quy trình kỹ thuật thâm canh để góp phần tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất kinh doanh cà phê vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ đột phá về cơ cấu giống...
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKTNLN Tây Nguyên, cà phê vối là cây giao phấn bắt buộc, nên trong mấy năm qua, Viện đã chọn giống theo hướng chọn lọc các dòng vô tính, với mục tiêu giống phải có năng suất cao, chín tập trung, kích cỡ hạt lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kháng bệnh gỉ sắt cao, chín muộn….Đến nay, Viện đã nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn 9 dòng cà phê vối, gồm: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, trong đó các dòng từ TR4 đến TR8 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định công nhận, các giống còn lại đang ở giai đoạn sản xuất thử và xin công nhận. Đây là những giống cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2 tấn - 7 tấn cà phê nhân/ ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Những năm gần đây, vấn đề thiếu nước tưới trong mùa khô cho cây trồng nói chung và cây cà phê ở Tây Nguyên nói riêng càng trở nên nghiêm trọng. Do vậy, Viện KHKTNLN Tây Nguyên đã nghiên cứu lai tạo, chọn được 4 dòng chọn lọc, với giống cà phê vối chín muộn, gồm: 2/1, 12/1, 11/12, Đ/c Tr5 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô không những thuận lợi trong việc thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê không bị hư hỏng do mưa trong quá trình phơi sấy mà còn giảm được lượng nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.
Ngoài dòng cà phê vối mới chọn lọc, cây trồng chủ lực xuất khẩu ở Tây Nguyên, Viện KHKTNLN Tây Nguyên còn nghiên cứu lai tạo các giống mới cà phê chè. Cà phê chè là loại cây tự thụ phấn, nên Viện chọn tạo giống theo hướng tạo con lai. Qua hàng chục năm nghiên cứu, lai tạo, đến nay, Viện đã lai tạo, chọn lọc được 10 con lai từ TN1 đến TN10. Các giống cà phê chè lai này đều có chất lượng tốt, năng suất cao, đạt từ 3-5 tấn cà phê nhân/ha, trọng lượng nhân lớn, kháng cao với bệnh gỉ sắt, có tính thích ứng rộng. Các thành tựu về giống lai, chọn lọc dòng thuần của cà phê chè cho phép Việt Nam sản xuất đổi mới dần giống cà phê chè. Cơ cấu giống cà phê chè không còn đơn điệu chỉ một giống Catimor như trước mà đã tạo điều kiện cho các địa phương trong cả nước mở rộng ra trồng các giống cà phê khác nhau cho năng suất, sản lượng, chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ huyện Cư M’gar xây dựng vường nhân chồi cà phê vối cao sản để cải tạo các vườn cây cà phê kém hiệu quả của địa phương. (Ảnh: T.L) |
...Đến nghiên cứu, áp dụng quy trình kỹ thuật mới nâng cao chất lượng vườn cây
Trong điều kiện tự nhiên ở Tây Nguyên nói riêng và các vùng trồng cà phê trong cả nước nói chung, tưới nước là biện pháp kỹ thuật hàng đầu có tác dụng quyết định đến năng suất, sản lượng cà phê hằng năm. Theo Tiêu chuẩn ngành 10TCN về “Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê vối” ban hành vào năm 2001, lượng nước tưới cho cà phê kinh doanh có cây che bóng tầng cao là 500-600 lít nước/gốc một lần tưới, với chu kỳ từ 20-25 ngày và lượng nước tưới lần đầu cao hơn định mức trên 10-15%. Thế nhưng, các nghiên cứu mới đây của Viện KHKTNLN Tây Nguyên hợp tác với trường Đại học Leuven (Bỉ) đã xác định được lượng nước tưới thích hợp và tiết kiệm cho cây cà phê kinh doanh vẫn bảo đảm năng suất. Cụ thể, đối với cà phê trồng bằng hạt ở thời kỳ kinh doanh có năng suất bình quân 3,5 tấn nhân/ha, công suất tưới chỉ có 390 lít nước/ gốc, với chu kỳ 22-24 ngày/ lần. Kết quả thực tế ở các mô hình trình diễn nông hộ cho thấy, cà phê vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng. Viện còn nghiên cứu, đề xuất chế độ bón phân hợp lý cho cây cà phê. Ngoài các yếu tố đa lượng N, P, K, Viện cũng khuyến cáo đến bà con nông dân trồng cà phê cần bón cân đối các yếu tố trung vi lượng khác như Ca, Mg, S, Zn, B…Qua nghiên cứu cho thấy, các yếu tố trung vi lượng đặc biệt đã có thể làm tăng chất lượng cà phê nhân vùng Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu trên đã góp phần sửa đổi quy trình bón phân cho cây cà phê ở Tây Nguyên một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng khoáng cho cây cà phê còn được chuyển ra sản xuất dưới dạng phân bón lá chuyên dùng cho cây, thuận tiện hơn cho bà con nông dân. Viện cũng nghiên cứu, xác định ba loại cây: Sầu riêng, hồ tiêu, bơ là những cây trồng xen trong vườn cà phê phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Cụ thể, Viện KHKTNLN Tây Nguyên đã đưa ra quy trình cụ thể, cứ trồng xen 160-280 cây tiêu trụ sống hay 370 cây tiêu trên trụ chết, vẫn không làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê (3,8 đến 4,6 tấn nhân/ha) mà còn thu thêm bình quân 1 tấn tiêu đen/ha. Trồng xen sầu riêng với mật độ 90 cây/ha, vào thời kỳ kinh doanh thu thêm sầu riêng từ 20 triệu đồng /ha trở lên, trong khi đó, năng suất cà phê vẫn không hề thay đổi. Viện cũng nghiên cứu, khuyến cáo bà con nông dân cải tạo các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, bị bệnh gỉ sắt nặng, hoặc bị nấm gốc rễ bằng hình thức cưa đốn phục hồi chọn chồi tái sinh hay chọn chồi ghép non nối ngọn với các dòng cà phê vối chọn lọc để tạo vườn cây đồng đều hơn về hình dạng, đạt năng suất cao, chất lượng nhân cà phê bảo đảm yêu cầu xuất khẩu…
Các nghiên cứu được chuyển giao đến người sản xuất
Trong những năm qua, toàn bộ các nghiên cứu về cây cà phê của Viện KHKTNLN từ tuyển chọn giống mới đến các quy trình kỹ thuật mới thâm canh, chăm sóc cây cà phê đều đã được chuyển giao đến tận tay bà con nông dân. Viện đã xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Chỉ tính riêng từ năm 2006 trở lại đây, bình quân mỗi năm, Viện đã sản xuất, cung cấp từ 5-7 tấn hạt giống lai đa dòng cà phê vối, hạt giống lai cà phê chè cho tất cả các vùng trồng cà phê, nhất là giống lai cà phê vối đa dòng cho các tỉnh Tây Nguyên. Viện còn xây dựng trên 5 ha vườn nhân chồi các dòng vô tính cà phê vối để mỗi năm cung cấp từ 4 triệu chồi ghép, cây giống ghép có chất lượng cao cho bà con nông dân cải tạo dần các vườn cà phê già cỗi, năng suất kém. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị khuyến nông và bà con nông dân sản xuất kinh doanh cà phê tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ với các nội dung đào tạo phong phú như: chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, nhân giống cà phê vối giống mới, kỹ thuật tạo hình, tỉa cành, kỹ thuật ghép cải tạo cho cà phê vối, quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê vối, cà phê chè, những điều cần biết về thu hoạch, chế biến cà phê… Chỉ mới 3 năm trở lại đây, sau khi được chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật ghép cải tạo, bà con nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã cưa đốn trên 40.000 ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, bị bệnh gỉ sắt và thay thế bằng các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc. Hiện nay, nhiều vườn đã bắt đầu cho thu hoạch. Riêng tại tỉnh ta, đến nay bà con nông dân đã cưa đốn trên 14.000 ha cà phê vối già cỗi hết chu kỳ kinh doanh để chọn chồi ghép bằng các dòng vô tính chọn lọc. Hàng trăm ha cà phê sau 3 năm ghép chồi cà phê vối vô tính chọn lọc đã cho thu hoạch gần 4 tấn cà phê nhân/ha.
Ý kiến bạn đọc