Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar phục hồi đàn gia súc sau dịch

08:52, 04/03/2011

Năm 2010, Ea Kar là một trong ba địa phương (Ea Kar, Krông Pak, TP. Buôn Ma Thuột) bị dịch heo tai xanh nặng nhất, với trên 30% số heo trong tổng đàn bị mắc bệnh; nhiều hộ chăn nuôi đã rơi vào cảnh trắng chuồng. Thế nhưng, từ muôn vàn khó khăn, nghề chăn nuôi ở Ea Kar đang hồi phục.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, chưa có khi nào trên địa bàn Dak Lak nói chung, huyện Ea Kar nói riêng dịch bệnh trên đàn gia súc lại bùng phát mạnh và gây hậu quả nghiêm trọng như trong năm 2010; nhất là dịch heo tai xanh khiến các nhà quản lý đau đầu và người chăn nuôi thì lao đao. Không chỉ lây lan nhanh, mà mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi cũng ngày càng lớn. Trên địa bàn huyện, có gần 40.000 con heo bị mắc bệnh tai xanh, chiếm trên 30% tổng đàn; số chết và bị tiêu hủy 10.315 con; tổng giá trị thiệt hại 65,9 tỷ đồng, trong đó số tiền cần hỗ trợ cho người dân có heo bị tiêu hủy trên 10,1 tỷ đồng. Dịch tai xanh chưa khống chế được thì dịch lở mồm long móng lại bùng phát tại các xã Ea Đar, Ea Sar, Ea Ô và thị trấn Ea Knốp làm 57 con trâu, bò bị mắc bệnh. Dịch chồng lên dịch khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh trắng chuồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Thêm vào đó, tốc độ tăng đàn nhanh, đặc biệt là đàn heo (năm 2005 có 67.458 con, đến năm 2010 là 105.088 con, tăng 1,5 lần). Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh theo quy trình của cơ quan thú y chưa được các hộ chăn nuôi quan tâm. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn nhiều bất cập, việc xây dựng chuồng trại tự phát, tập trung chủ yếu ở gần khu dân cư và không bảo đảm vệ sinh môi trường. Vì vậy khi dịch bệnh xảy ra thường lây lan nhanh và khó kiểm soát. Thêm vào đó, hoạt động kiểm dịch các cơ sở giết mổ tập trung, gia súc, gia cầm chưa thường xuyên và còn nhiều hạn chế; hệ thống sản xuất con giống gia súc, gia cầm còn thiếu, hiện tại chưa có cơ sở nào sản xuất giống thuần, dẫn đến người chăn nuôi bị động nguồn con giống chất lượng cao và an toàn dịch...

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng, huyện Ea Kar đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch như: thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, xã; lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát, không cho vận chuyển heo ra, vào

Đàn heo ở huyện Ea Kar đang được phục hồi sau dịch.
Đàn heo ở huyện Ea Kar đang được phục hồi sau dịch.
vùng dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, khử trùng tiêu độc…. Nhờ vậy, sau nhiều tháng nỗ lực, đến thời điểm này, Ea Kar đã công bố hết dịch và triển khai kế hoạch phục hồi đàn gia súc. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, huyện cũng đã thực hiện được 2 đợt hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại trong đợt dịch heo tai xanh, với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y đã hướng dẫn địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi trước khi tái đàn; lựa chọn con giống có nguồn gốc và đã được kiểm dịch; thực hiện tốt công tác tiêm phòng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đàn heo thịt được cán bộ thú y kiểm tra chặt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, bảo đảm cung ứng tốt các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: Sau dịch, huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi và đưa ra các giải pháp bền vững, cải thiện lại hệ thống giết mổ, tránh tình trạng phân tán; đồng thời xã hội hóa công tác tiêm phòng vắc-xin. Huyện đã thành lập được Ban tự nguyện thú y tại các xã với nhiều kênh tiêm phòng vắc-xin (không chỉ cán bộ thú y mà các hộ chăn nuôi cũng có thể tự tiêm cho đàn gia súc, gia cầm); mỗi xã có 1 tủ vắc-xin do cán bộ thú y xã quản lý… Hiện nay, trên địa bàn Ea Kar người dân bắt đầu chăn nuôi trở lại, với tổng đàn heo đã lên 80.000 con, tăng khoảng 16.000 con so với khi vừa kết thúc dịch. Các hộ chăn nuôi cũng đã thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc của giống heo trước khi mua về nuôi, nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn vốn còn rất eo hẹp, tiền hỗ trợ heo bị dịch đến nay người dân vẫn chưa được nhận hết.

Theo ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y, để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển chăn nuôi sau dịch, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần khuyến cáo người dân không chạy theo số lượng mà cần áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động nguồn con giống chất lượng tốt. Đồng thời, địa phương cần sớm triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung và hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc