Multimedia Đọc Báo in

Quản lý khai thác thủy lợi: Khi nào mới hết khó khăn?

10:35, 25/03/2011

Tài nguyên nước được xem là nguồn tài nguyên khá dồi dào, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước còn nhiều bất cập nên đã dẫn đến tình trạng khai thác thủy lợi  không hợp lý, gây lãng phí nguồn nước.

Bất cập trong công tác quản lý, khai thác
Trên địa bàn Dak Lak thủy lợi được chia thành 3 vùng theo các lưu vực sông, gồm: vùng Ea H’leo, Ea Súp nằm trên địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Buk; vùng lưu vực sông Ba chạy qua địa bàn các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar, M’Drak; và vùng lưu vực sông Sêrêpôk, là một trong 10 lưu vực sông lớn nhất Việt Nam, chiếm 55% diện tích Dak Lak. Trên các lưu vực sông này đã xây dựng được 642 công trình thủy lợi, gồm: 516 hồ chứa, 81 đập dâng và 45 trạm bơm với khoảng 816 km kênh chính và 966 kênh nhánh. Tổng diện tích tưới được thiết kế tưới tiêu cho 92.623 ha cây trồng các loại, đạt tỷ lệ trên 70% diện tích cây trồng có nhu cầu nước. Hiện tại, nguồn nước trên địa bàn tỉnh do 4 đơn vị quản lý: Sở Tài nguyên – Môi trường quản lý về tài nguyên nước; Sở NN-PTNT quản lý cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn; sở Xây dựng quản lý cấp nước đô thị, công nghiệp; sở Công thương quản lý cấp nước phát triển thủy lợi. Cơ quan chuyên ngành quản lý hệ thống công trình thủy lợi có Chi cục Thủy lợi và Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Sở NN-PTNT. Ngoài ra, còn nhiều công trình thủy lợi khác do Tổng Công ty Cà phê kết hợp với nguồn vốn của dân đóng góp xây dựng và tự quản lý hoặc một số công trình thủy lợi nhỏ được giao cho huyện, xã quản lý. Từ cách quản lý phân tán như vậy, việc quản lý khai thác và đầu tư nâng cấp nhiều công trình chưa được quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp, không phát huy được công suất tưới. Đơn cử như vùng lưu vực sông Ba có 132 công trình (chủ yếu là công trình nhỏ), trong đó nhiều công trình do xã và các nông trường xây dựng để tưới cà phê, nhưng chưa phát huy hết năng lực theo thiết kế do không được duy tu, sửa chữa nên đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa kể công tác tự quản lý và khai thác của xã, nông trường còn nhiều yếu kém nên thường nảy sinh việc tranh chấp nguồn nước… Hay lưu vực sông Sêrêpôk có 450 công trình, bảo đảm nước tưới cho 56.766 ha cây trồng, đạt 84% diện tích tưới theo thiết kế, nhưng nhìn về mặt tổng thể các công trình thủy lợi được xây dựng trước đây không theo một quy hoạch thống nhất. Thêm nữa, những năm gần đây, một số công trình lớn như Krông Buk hạ (đang được xây dựng) bước đầu đã theo quy hoạch lưu vực sông, nhưng do trên địa bàn tỉnh chưa có phương án khai thác nguồn nước hoàn chỉnh nên cũng đã gây khó khăn trong việc lập kế hoạch quản lý.

Làm tốt công tác quản lý thủy lợi để hạn chế việc thiếu nước tưới trong mùa khô.
Làm tốt công tác quản lý thủy lợi để hạn chế việc thiếu nước tưới trong mùa khô.
Để sử dụng bền vững tài nguyên nước
Trên thực tế, việc khai thác sử dụng nguồn nước thủy lợi phần lớn chỉ mới chú trọng tới hiệu quả kinh tế trước mắt của địa phương mà chưa quan tâm nhiều tới việc bảo đảm nhu cầu nước về lâu dài. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thủy lợi thì hiện các nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang sụt giảm nghiêm trọng, lượng mưa bổ trợ không đủ. Việc sử dụng, quy hoạch, khai thác nước không hợp lý, còn mang tính ngành đã làm hạn chế hiệu quả quy mô nguồn nước. Trong khi đó, nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nhanh nhưng chưa có biện pháp bổ sung nhân tạo nhằm tăng lượng nước có khả năng sử dụng trong mùa khô…

Mới đây, dự án Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Dak Lak giai đoạn 2009 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được triển khai, với nhiệm vụ tập trung giải quyết nước tưới cho các loại cây trồng và cấp nước cho sinh hoạt, cho phát triển công nghiệp, giảm nhẹ lũ lụt… trên cơ sở sử dụng bền vững tài nguyên nước cũng đã tạo hướng mở cho công tác quản lý, khai thác thủy lợi. Dự án quy hoạch đã quan tâm đến việc thành lập bộ máy quản lý các lưu vực sông nhằm tăng cường năng lực quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch cấp nước tưới, nước sinh hoạt; khai thác thủy năng; tiêu thoát nước; phòng chống lũ… Tuy nhiên, dự án vẫn chưa đề cập đến vấn đề buộc phải có giấy phép khi sử dụng tài nguyên nước (hiện 100% công trình thủy lợi trong tỉnh chưa có giấy phép này). Đây cũng là một lỗ hổng trong chính sách quản lý, khai thác nguồn nước. Theo ông Nguyễn Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: để phát triển bền vững tài nguyên nước và khai thác thủy lợi có hiệu quả, Dak Lak cần sớm có những chính sách cụ thể về quản lý, khai thác tài nguyên nước phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng. Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi hiện có, đặc biệt chú ý các công trình hồ chứa; kiên cố hóa các hệ thống kênh mương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, khai thác; tăng cường khả năng điều tiết, gìn giữ nguồn nước tự nhiên bằng việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ…

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc