Multimedia Đọc Báo in

Con đường khẳng định vị thế cà phê

12:39, 06/04/2011

Cho đến nay, chưa ai biết chính xác cây cà phê đầu tiên được trồng ở Việt Nam cũng như ở Dak Lak vào năm nào, nhưng ai cũng biết cà phê đã trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước và là cây kinh tế chủ lực của Tây Nguyên. Trong suốt lịch sử hàng trăm năm xuất hiện tại Việt Nam, chưa bao giờ cây cà phê được nhắc nhiều như hiện nay, và câu chuyện về cà phê vẫn luôn “nóng”…

“Chắt lọc” từ lịch sử
Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở Dak Lak, những đồn điền lớn cũng theo đó xuất hiện để phục vụ cho mục đích vơ vét triệt để của cải, tài nguyên nơi đây. Là vùng đất màu mỡ, cao nguyên này nhanh chóng được phủ một màu xanh bằng bạt ngàn cao su, cà phê. Từ quy mô nông trại vài chục mẫu trồng thử nghiệm, đến những năm 1912-1914, cây cà phê đã ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột với sự ra đời của 2 công ty nông nghiệp lớn nhất Dak Lak được chính quyền Pháp cho phép thành lập: Công ty Cao nguyên Đông Dương – CHPI và Công ty Nông nghiệp An Nam CADA, bao chiếm tới 30.000 ha. Những hạt cà phê đầu tiên ở Buôn Ma Thuột ngày ấy khi được đưa về chính quốc chế biến, tiêu thụ đã đem đến sự bất ngờ cho các nhà rang xay tại Pháp bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Cũng từ đó, giới tư bản Pháp bắt đầu đầu tư khai thác đất đai ở Tây Nguyên, với 26 đồn điền được thành lập ở khu vực Buôn Ma Thuột, tổng diện tích bao chiếm lên đến 200.000 ha trồng các loại cây cà phê, chè, cao su, cây ăn trái…  Cây cà phê đã nhanh chóng lấn lướt những loại cây trồng khác, với diện tích không ngừng tăng lên qua các năm. Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Dak Lak đã lên đến trên 2.000 ha, trong đó 1.000 ha thuộc Đồn điền CADA quản lý. Với các điều kiện tự nhiên phù hợp, được trồng và chăm sóc tốt nên chất lượng cà phê ngày càng tăng lên, được ưa chuộng ở Pháp cũng như ở một số nước châu Âu. Chính vì vậy, việc trồng cà phê lúc này càng được thực dân Pháp chú trọng, bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chính sách khai thác đất đai các nước thuộc địa. Năm 1959 đã có 49 đồn điền trồng cà phê ở Dak Lak, với tổng diện tích trên 5.200 ha. Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê đã tăng lên 8.600 ha, cho sản lượng hằng năm trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê Robusta. Sau ngày miền Nam giải phóng, Ủy Ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Dak Lak ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai của các đồn điền; đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến lại khoảng 1.000 ha cà phê; trên cơ sở đó thành lập các nông trường cà phê: Thắng Lợi, Phước An, Ea Hồ… do Công ty Quốc doanh Nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Dak Lak đã đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh cà phê lớn: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pak, Cư M'gar, Ea H'leo, Krông Buk, Krông Năng... Ngày nay, cà phê không chỉ trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây bởi nó gắn liền với nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của người lao động bản xứ, của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân.

Khẳng định vị thế
Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 540.000 ha và sản lượng trên 1 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê không ngừng tăng qua các năm, từ 483 triệu USD (năm 2000) lên 734 triệu USD (năm 2005) và đạt kỷ lục 2,1 tỷ USD (năm 2008). Năm 2010, cả nước xuất khẩu được trên 1 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD. Với giá trị tổng sản lượng chiếm tỷ trọng khoảng 2%GDP, ngành cà phê đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng cà phê, góp phần quan trong trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội tại nhiều địa phương.

Thu hoạch bảo đảm tỷ lệ quả chín - một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cà phê.
Thu hoạch bảo đảm tỷ lệ quả chín - một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cà phê.
Kể từ khi những cây cà phê đầu tiên cắm rễ trên cao nguyên Dak Lak mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cà phê Buôn Ma Thuột hiện đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và có mặt tại thị trường của khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Cà phê thế giới - ICO, cà phê Việt Nam chiếm khoảng 15% thị phần cà phê thế giới, riêng Dak Lak với diện tích khoảng 150 nghìn hec-ta, mỗi năm sản xuất khoảng 400 nghìn tấn, đạt kim ngạch 600 triệu USD. Vị thế ấy, không phải loại nông sản nào cũng dễ dàng có được. Không những thế, cà phê robusta Dak Lak cũng là một trong những mặt hàng nông sản sớm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột (năm 2005). Đây được xem là mốc lịch sử đáng nhớ trong chặng đường phát triển đầy thử thách của ngành cà phê Dak Lak nói riêng, cả nước nói chung. Cũng bắt đầu từ năm 2005, cà phê trở thành tâm điểm với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I được tổ chức cùng hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Đây cũng là lần đầu tiên người trồng cà phê được tôn vinh, và cũng bắt đầu từ đó văn hóa cà phê luôn được nhắc đến cùng với sự quan tâm của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương trong nỗ lực nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên trường thế giới. Đến Lễ hội Cà phê lần thứ III  - 2011, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia, cà phê càng khẳng định được tầm quan trọng của nó, vượt lên giá trị về kinh tế, mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, xứng đáng trở thành một trong những sản phẩm đảm đương nhiệm vụ “đại sứ ngoại giao” của Việt Nam.

Còn đó thách thức
Tuy vậy, thực tế phần tăng lên về giá trị của cà phê Việt Nam không tương xứng với thị phần mà nó chiếm lĩnh trên thị trường thế giới. Bởi sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam chỉ là cà phê nhân, hơn nữa giá bị dẫn dắt bởi 2 sàn ở New York (Mỹ) và London (Anh). Cùng với những bất ổn trong quá trình sản xuất, chế biến ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà ngành cà phê Việt Nam đã và đang phải đối mặt. Đó là diện tích tăng mạnh nhưng chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch; không ít diện tích cho chất lượng kém, già cỗi nhưng chậm được tái canh; các biện pháp canh tác tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi… Nhưng có lẽ căn cơ nhất đó việc tổ chức sản xuất cà phê theo chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột chưa được các cấp ngành thực sự quan tâm nên chưa thu hút các doanh nghiệp và người trồng cà phê tham gia. Mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận từ năm 2005, nhưng mãi đến năm 2008 Dak Lak mới đăng ký tham gia thực hiện dự án Hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột, đến tháng 10-2010, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới ra đời. Tại Hội thảo Phát triển cà phê bền vững vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III -2011, ông Trịnh Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ, việc ra đời Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột  là cơ hội để cộng đồng cà phê góp tiếng nói chung về phát triển tài sản trí tuệ địa phương và hưởng lợi từ tài sản quý giá này. Chính vì vậy, sự sống còn và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội trước hết phụ thuộc vào nhận thức cũng như sự chung tay góp sức của cộng đồng sản xuất, tiêu thụ cà phê. Sự phát triển cà phê còn bất ổn bởi thiếu hợp lý trong phân chia lợi ích, cho nên mới có chuyện, cà phê mang trong mình nhiều giá trị, nhưng người trồng cà phê thu nhập không bằng người trồng bắp, trồng mỳ, ngay cả khi giá được thu mua ở mức 30.000 -40.000 đồng/kg. Cho đến nay, ngành cà phê vẫn loay hoay với nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thấy giải pháp hiệu quả để phát triển cà phê bền vững cũng như nâng cao thu nhập của người trồng cà phê.

Đã qua 3 “mùa” lễ hội, nhưng có một điều mà ai cũng dễ nhận ra là: những gì mà lễ hội cà phê mang lại cũng như nỗ lực của ngành cà phê vẫn lưng chừng, mới giải quyết được phần ngọn, mà gốc rễ để có được sự bền vững chính lại là làm thế nào hiện thực hóa được những giải pháp được xem là “kế sách” đã được bàn từ hội thảo này sang hội thảo khác, trong đó điều căn cơ là phải thay đổi được nhận thức, hành động của người nông dân - những chủ thể nắm giữ hơn 80% diện tích cà phê ở Dak Lak trong việc nâng cao được cả lượng và chất của hạt cà phê.

Lê Hương

----------------

(*) Trong bài có tham khảo tư liệu lịch sử


Ý kiến bạn đọc