Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ khan hiếm USD cuối năm

10:05, 08/08/2011

Với hàng loạt biện pháp về quản lý ngoại hối được triển khai trong thời gian gần đây đã góp phần đáng kể vào việc giảm sốt ngoại tệ (chủ yếu là USD), rút ngắn chênh lệch giá giữa thị trường tự do và chính thức, giảm găm giữ... Song, có thể quá sớm để nói rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành công trong việc quản lý ngoại hối về dài hạn.

Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Dak Lak. (Ảnh: T.S)
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Dak Lak. (Ảnh: T.S)
Lãi vay USD... rẻ hơn VNĐ!
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2011, huy động vốn bằng đồng Việt Nam (VNĐ) tăng 1,15%, bằng ngoại tệ tăng gần 9%. Về tín dụng, cho vay bằng VNĐ tăng 2,72%, nhưng cho vay bằng ngoại tệ tăng chóng mặt (hơn 22% so với đầu năm). Riêng tại địa bàn tỉnh Dak Lak, huy động vốn bằng VNĐ tăng gần 15%, bằng ngoại tệ và vàng tăng 18,18%; dư nợ cho vay bằng VNĐ giảm 2,47%, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng 96,25%.

Điều gì khiến USD trở nên hấp dẫn vẫn đang là câu hỏi lớn chưa nhận được lời lý giải chính thức. Tuy nhiên, nhìn lại những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong thời gian qua cho thấy, chênh lệch lãi suất được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng. Hồi đầu tháng 4 năm nay, khi dự trữ ngoại hối xuống thấp và lạm phát đang tăng mạnh, NHNN đã đưa ra biện pháp khá quyết liệt, giảm trần lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của các tổ chức tín dụng xuống còn 3% (đối với cá nhân) và 1% (đối với tổ chức). Đến đầu tháng 6-2011, trần lãi suất huy động USD lại giảm tiếp, xuống theo thứ tự là 2% và 0,5%. Điều này tạo động lực cho người gửi tiền bán USD, chuyển sang VNĐ để gửi ngân hàng, hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Thế nhưng chênh lệch quá cao giữa lãi suất tiết kiệm VNĐ và USD lại tạo ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp “thích” vay vốn bằng USD. Hiện tại, lãi suất cho vay USD ngắn hạn bình quân khoảng 6%-7,5%/năm và dài hạn khoảng 7,5%-8%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay VNĐ vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng: Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu từ 16,5%-20%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18%-21%/năm; phi sản xuất từ 22%-25%/năm. Sự chênh lệch lãi suất quá lớn trên cho thấy, vay USD rẻ hơn nhiều so với VNĐ. Theo tính toán của một doanh nghiệp ngành gỗ, với mức lãi suất hiện tại, nếu vay 5 tỷ đồng, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ phải trả gần 100 triệu đồng tiền lãi. Trong khi đó, nếu vay khoảng 250.000 USD (tương đương 5 tỷ đồng), lãi suất 8%/năm, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ trả khoảng 1.650 USD tiền lãi, tính ra chưa đến 35 triệu đồng.

Mặc dù NHNN đã ban hành văn bản quy định khá chặt chẽ về việc cho vay bằng ngoại tệ, song, nhiều người lo ngại trước những hấp dẫn nêu trên, liệu cơ quan quản lý có kiểm soát được tình trạng doanh nghiệp không thuộc diện được vay ngoại tệ vẫn lọt vào danh sách cho vay bằng các chứng từ hợp thức hóa?

Áp lực căng thẳng cung cầu ngoại tệ. (Ảnh minh họa).
Áp lực căng thẳng cung cầu ngoại tệ. (Ảnh minh họa).
Hiện hữu áp lực về tỷ giá
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều yếu tố tác động lên tỷ giá. Về vốn FDI, tuy 6 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng nguồn này đã suy giảm trong những năm gần đây; việc giải ngân thường không như đăng ký và chủ yếu được thực hiện bằng cách nhập khẩu trang thiết bị từ nước ngoài nên cũng không tạo ra nguồn ngoại tệ cho các ngân hàng. Đối với xuất khẩu, kim ngạch có thể vẫn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, nhưng sẽ chậm hơn do ảnh hưởng tính mùa vụ của hàng nông sản trong nước và sự hạ nhiệt của giá cả thị trường thế giới. Đối với nhập khẩu, dù tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực nhưng các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa "cần thiết phải nhập khẩu" vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy, nhập siêu trong các tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng lên khi nhu cầu nhập khẩu cuối năm tăng mạnh. Tất cả các yếu tố như nhu cầu ngoại tệ USD cho trả nợ vay, nhập khẩu hàng hóa tăng trong thời gian tới, trong khi cung ngoại tệ từ nguồn tiền kiều hối, FDI và xuất khẩu có thể giảm sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm USD vào cuối năm và tạo áp lực tăng tỷ giá ngoại tệ USD mạnh. Ở một diễn biến khác, việc ngày càng nhiều khách hàng chọn vay USD thay cho VNĐ đang gây ra nhiều bất lợi cho cả nền kinh tế, bởi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện tại tăng lên nhanh chóng thì nhu cầu cho vay ngoại tệ để trả nợ trong tương lai cũng sẽ tăng lên tương ứng, tạo ra nhu cầu lớn trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Việc một số doanh nghiệp không có nhu cầu nhưng vẫn vay USD để bán lấy VNĐ gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch lãi suất, dự báo các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn trong việc tìm nguồn USD để trả nợ, ngoại trừ vay các ngân hàng. Khi thời điểm trả nợ các khoản vay đến cùng một lúc sẽ gây nên sự đột biến về nhu cầu ngoại tệ và có thể tác động mạnh lên tỷ giá. Một điều đáng quan tâm khác, đó là nhu cầu vay ngoại tệ lớn rất dễ dẫn đến tình trạng các ngân hàng “lách” trần lãi suất huy động USD như đã từng xảy ra đối với trần lãi suất huy động VNĐ. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một ngân hàng nào bị xử lý về vấn đề này, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng các ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, nhập siêu thông thường sẽ  tăng cao vào quý III và IV do doanh nghiệp nhập nguyên liệu về sản xuất hàng hóa phục vụ tết. Chính vì thế, ngày từ bây giờ, NHNN cần có biện pháp hãm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ nhằm tránh tình trạng căng thẳng tỷ giá vào những tháng cuối năm. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về huy động, cho vay ngoại tệ, trong trường hợp cần thiết cũng phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhằm tăng lãi suất cho vay. Về lâu dài, xem xét giảm dần lãi suất cho vay bằng VNĐ, kiên quyết thực hiện lộ trình chống đô-la hóa nền kinh tế, chuyển dần quan hệ vay mượn sang mua bán USD.

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc