Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp cần thận trọng khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh

21:32, 05/08/2011
Sức tiêu thụ yếu, tồn kho hàng hóa lớn, lãi suất và phí lưu kho tăng cao… là áp lực mà hầu hết các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Áp lực tồn kho

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 7 tháng đầu năm 2011 của Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho nhiều sản phẩm đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2010. Lượng thép xây dựng tồn kho gần 450.000 tấn, phôi thép tới 470.000 tấn. Theo tính toán, mức lãi mà các doanh nghiệp thép phải trả đối với lượng hàng tồn kho này khoảng gần 150 tỷ đồng/tháng- một mức “quá sức chịu đựng” - như nhiều doanh nghiệp nhận định. Tồn kho của ngành cơ khí, điện tử cũng tương đối lớn do sức mua giảm mạnh. Theo giới kinh doanh nhóm hàng này tại thị trường TP.HCM, sức mua các mặt hàng trên so với tháng có mức giảm dao động từ 20 - 50% tuỳ theo ngành hàng, trong đó, nhóm hàng máy lạnh giảm tới 50%. 
 
a
 Chỉ số tồn kho các mặt hàng điện tử, cơ khí đều tăng
 
Thực trạng đó khiến ngành điện tử đã khó càng khó gấp bội, nhất là với sản xuất điều hòa nhiệt độ. So với cùng kỳ, chỉ số tồn kho điều hòa tăng 33%; tủ lạnh, tủ đá tăng 76%; máy giặt  tăng 83%; ôtô bốn chỗ ngồi  tăng 120 %...Ngành tồn kho lớn nhất hiện nay là sản xuất bia với chỉ số tăng hơn 94%. Bên cạnh đó, ngành bia, rượu, nước giải khát đang phải đối mặt với nỗi lo lớn là thời điểm thuế các loại bia nhập khẩu chỉ còn dưới 35% theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sắp đến gần.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1.065,8 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%. Đây là mức rất thấp so với mức trung bình khoảng 15 - 20% như những năm trước đây.

Doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 6.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Trong 6 tháng đầu năm 2011 số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động đã gấp đôi so với cùng kỳ 2010.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết bài toán khó khăn trong lúc này, các đơn vị kinh doanh cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ như: thận trọng khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình. Đặc biệt, quan tâm tới việc tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; tập trung kinh doanh sản phẩm chính; rút ngắn thời hạn thanh toán phân phối để đẩy nhanh vòng quay vốn, giảm lệ thuộc vào vay ngân hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần có những chính sách đúng đắn để khuyến khích người tiêu dùng, tiết kiệm tối đa những chi phí không cần thiết, tính toán chính xác lượng hàng tồn kho để giảm thiểu chi phí kho bãi ...

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó cũng thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu. Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh..

H.H (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc