Băn khoăn giảm lãi suất huy động
Tuần đầu tiên thực hiện chấm dứt việc huy động với lãi suất thỏa thuận trên mức trần 14%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thị trường huy động vốn đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, nhưng để thị trường tiền tệ chuyển biến thực sự tích cực thì cần phải có các yếu tố căn bản thay vì những liệu pháp tình thế.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Theo NHNN, trong những tháng cuối năm 2011, để góp phần đạt được các mục tiêu Chính phủ đề ra, NHNN tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt để kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp, bảo đảm tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 15%-18%), tổng phương tiện thanh toán tăng 15%-16%, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm dần theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống. Các giải pháp điều hành cụ thể đối với từng lĩnh vực cũng đã được xây dựng, trong đó, có giải pháp đối với dư nợ cho vay bằng VNĐ, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%; tùy theo diễn biến thị trường, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, bảo đảm hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, bảo đảm mục tiêu chính sách tiền tệ; trước mắt vẫn duy trì các quy định về cho vay phi sản xuất, tùy theo diễn biến tình hình, NHNN sẽ trình Chính phủ cho phép có những điều chỉnh phù hợp. Về kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, tiến hành thanh, kiểm tra một số TCTD có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và hệ số sử dụng vốn ngoại tệ cao; sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay; yêu cầu các TCTD quan tâm điều hành, bảo đảm thanh khoản ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro cho các TCTD và góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN như hiện nay, duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm để tạo điều kiện cho các TCTD đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17%-19% đối với lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường; giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng là tổ chức và dân cư…
Để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, ngày 7-9-2011, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VNĐ và USD của các TCTD, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài. Chỉ thị yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện đúng mức lãi suất huy động đã quy định; tự kiểm tra, phát hiện, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các đơn vị để xảy ra vi phạm; chủ động phát hiện và báo cáo về NHNN những TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm về lãi suất huy động. Điểm mới của Chỉ thị là NHNN đưa ra chế tài xử lý khá nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành TCTD khi phát hiện TCTD vi phạm quy định về lãi suất huy động; hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bị xử lý; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á, chi nhánh Buôn Ma Thuột. |
Có thể thấy rằng, đợt chấn chỉnh lãi suất lần này của NHNN có hiệu lực tức thời và đồng loạt. Tính đến thời điểm này (tức chưa đầy 1 tuần kể từ ngày NHNN ban hành Chỉ thị 02 nêu trên), hầu hết các TCTD đã đưa lãi suất huy động về đúng quy định, thậm chí là thấp hơn trần 14%/năm; nhiều ngân hàng còn thận trọng rút hết các chương trình khuyến mãi tặng quà trước đó, hoặc nếu còn duy trì thì áp dụng lãi suất huy động thấp hơn mức trần.
Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều TCTD cũng tỏ ra lo lắng về tính lâu dài trong việc thực hiện các quy định liên quan đến lãi suất huy động. Theo các ý kiến này, trước đây NHNN đã từng triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó có cả sự “đồng thuận”, “cam kết” nhưng đều kém hiệu quả. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ngoài việc các TCTD “lách” quy định ngày càng tinh vi thì cách thức triển khai, cũng như chất lượng công tác thanh tra, giám sát chưa theo kịp yêu cầu là điều đáng quan tâm. Giám đốc một NH đặt vấn đề: “Nếu quá phụ thuộc vào lực lượng thanh tra của chi nhánh NHNN trên địa bàn thì khó có thể phát hiện được vi phạm của TCTD. Thử hỏi, có cán bộ NH nào không “biết mặt” lực lượng này?”. Tương tự, việc yêu cầu các TCTD “chủ động, báo cáo về NHNN những TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lãi suất huy động” cũng khó có thể thực hiện được. Thực tế trên thị trường cho thấy, việc lách quy định liên quan đến lãi suất được thực hiện rất tinh vi, khó có đủ chứng cứ để cung cấp cho cơ quan chức năng khi tố cáo hành vi vi phạm lãi suất huy động của các TCTD khác. Một vấn đề quan trọng nữa được cho là ảnh hưởng lớn đến việc tuân thủ quy định về lãi suất huy động của các TCTD, đó là nguyên nhân gây ra các cuộc đua lãi suất vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo lãnh đạo một số TCTD, sau một thời gian dài hạ nhiệt, những ngày gần đây, lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH (thị trường các NH thương mại cho nhau vay) bất ngờ tăng cao trở lại. Điều này cho thấy còn một số NH chưa ổn định về thanh khoản nên phải vay vốn các NH khác. Nếu lãi suất trên thị trường liên NH không sớm được “hạ nhiệt”, đến một lúc nào đó sẽ trở nên quá sức chịu đựng đối với những NH thiếu vốn. Và như vậy, nguy cơ NH thiếu vốn quay ra huy động vốn lãi suất cao ở khu vực doanh nghiệp, dân cư sẽ là điều khó tránh khỏi.
Vấn đề thị trường kỳ vọng nhất là sự can thiệp từ NHNN, bên cạnh các biện pháp hành chính, phải có giải pháp kinh tế nhằm tạo kênh dẫn vốn linh hoạt giữa NH thừa và thiếu vốn. Lúc này, có lẽ NHNN cũng cần tính đến việc ổn định lãi suất huy động không chỉ giữa các NH với người gửi tiền, mà cả giữa các NH với nhau.
Ý kiến bạn đọc