10:23, 19/09/2011
Ý tưởng phát triển sản xuất các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất 134 của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhen nhóm trong đầu chị Hrin Ksor khi chị còn đang công tác tại Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Vì thế, sau khi chính thức nghỉ công tác ở Tổng Công ty cà phê Việt Nam, chị Hrin Ksor đã nghĩ ngay đến việc phát triển sản xuất các loại cây trồng trên mảnh đất rộng lớn mà đồng bào mình mấy năm trời sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế. Lúc đầu, với kinh nghiệm của một cán bộ nông nghiệp làm việc nhiều năm trong ngành cà phê, chị Hrin muốn biến vùng đất thừa rộng lớn, bằng phẳng nhưng thiếu dinh dưỡng (vì đất từng trồng cao su trong nhiều năm) thành vùng nguyên liệu cà phê theo hướng phát triển cà phê bền vững. Tuy nhiên, ý tưởng đó không thể thực hiện được vì đây là vùng đất có hướng qui hoạch khu dân cư trong tương lai. Chị lại nghĩ đến việc đưa giống rau măng tây vào trồng tại vùng đất này, nhưng điều đó lại càng không khả thi vì đầu ra của loại rau này chưa ổn định trong khi chi phí đầu tư lớn, điều kiện thời tiết Buôn Ma Thuột chưa biết có phù hợp với loại cây rau cao cấp này hay không. Không thể lấy nguồn kinh phí ít ỏi của gia đình ra “đánh đố” sự may rủi với thiên nhiên được, thế là ý tưởng về sản xuất măng tây đã tàn lụi.
|
Vườn cà tím Nhật Bản của chị H’Rin Ksor. |
Đang trăn trở để tìm hướng phát triển phù hợp trên vùng đất rộng lớn mà bao năm qua bà con chỉ biết sản xuất cây sắn vừa không hiệu quả vừa kém bền vững thì chị được mời tham dự Hội nghị liên minh Hợp tác xã tỉnh. Tại đây, chị Hrin đã bị “lôi cuốn” với một báo cáo điển hình về mô hình sản xuất cà tím Nhật Bản, tuy mô hình chỉ dừng lại ở mức độ “mới” và hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù vậy, sự mới mẻ của mô hình sản xuất rau quả cao cấp này đã kích thích quyết tâm khám phá của chị. Chị lặn lội đến tận Nông trường 714 (huyện Ea Kar), nơi có các hộ sản xuất loại cà tím Nhật Bản này để tìm hiểu. Đến đây chị lại bị hụt hẫng khi bà con sản xuất không nhiệt tình tiết lộ “đầu ra” của loại rau này. Không nản lòng, chị H’rin vẫn quyết tâm và kiên nhẫn tìm lời giải cho bài toán khó về “đầu ra” của sản phẩm cà tím. Rồi chị mạnh dạn ký hợp đồng với một đơn vị bao tiêu sản phẩm cà tím khi trên vườn chưa trồng cây cà tím nào
|
“Sản phẩm đầu tay” của mô hình cây cà tím Nhật Bản sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). |
Khi nghe chị H’rin trao đổi về hướng phát triển sản xuất cà tím Nhật Bản trên vùng đất 134 của đồng bào DTTS, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành khảo sát thực địa và đánh giá đây là một hướng đi đúng. Cán bộ của phòng đã nhiều lần trực tiếp đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất từ khi làm đất đến khi thu hoạch. Đây là một mô hình sản xuất rau theo hướng thực hành nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practice), phù hợp với chủ trương phát triển của thành phố hiện tại. Được sự khuyến khích động viên của phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, chị H’rin mạnh dạn xuống giống cà tím đúng với qui trình sản xuất. Chị đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi triển khai mô hình sản xuất rau ăn quả đầu tiên trên địa bàn thành phố theo hướng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và dùng bạc phủ nông nghiệp, nhất là khi chưa từng sản xuất loại rau này. Chỉ sau 20 ngày, 1,5 ha cà tím Nhật Bản đã ra hoa kết nụ, 40 ngày sau trồng đã bắt đầu cho thu hoạch. Chị H’rin cho biết, sau 1 tháng kể từ ngày thu hoạch, vườn cà đã cho thu nhập 50 triệu đồng. Hiện chị cũng đã tạo công ăn việc làm cho một số bà con là người dân tộc tại chỗ với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. Giống cà tím Nhật Bản này nếu được chăm sóc tốt, thời gian sinh trưởng có thể kéo dài đến 9 tháng, riêng thời gian thu hoạch đến 6 tháng hoặc có thể hơn; ước tính năng suất có thể đạt hơn 50 tấn sản phẩm cà quả trên 1 ha, tương đương với tổng doanh thu hơn 300 triệu đồng trên 1 ha, trừ chi phí thì lãi thuần ước tính hơn 150 triệu đồng trên 1 ha.
Mô hình trồng cà tím Nhật Bản trên vùng đất không nhiều dinh dưỡng mà có thể mang lại hiệu quả kinh tế khá cao đang mở ra một hướng phát triển mới phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của đồng bào nơi đây. Tương lai có thể đây là mô hình sẽ thay thế dần các loại cây trồng không hiệu quả trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con dân tộc tại chỗ.
Hồ Thị Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc