Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn doanh nghiệp

Cần một cơ chế quản lý mới cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

10:26, 26/09/2011

Thực tế sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện đã có một số ý kiến khác nhau về cách thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ này.

Đánh giá hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ví dụ: nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán 2011 đã phải điều chỉnh giá lên 700 – 1.200 đồng/lít, kg tùy theo chủng loại xăng dầu mà không thể giữ ổn định giá cho đến ngày 24-2-2011 mới điều chỉnh giá; từ 22-10-2010 đến 24-2-2011 sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ít nhất 4 lần tương ứng với các lần tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Mô hình Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được nhiều nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico... áp dụng và được coi là công cụ tài chính hiệu quả nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường, những biện pháp như trợ giá (từ năm 2008 trở về trước, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra hơn 20.000 tỷ đồng để bù lỗ kinh doanh xăng dầu, chưa kể việc giảm thuế nhập khẩu), trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ Bình ổn giá là một giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang bộc lộ những bất cập trong cách thức quản lý thu, trích lập, chi dùng…. Chẳng hạn, Điều 26, Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định: “…Quỹ Bình ổn giá được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá”, rất dễ tạo ra kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ. Do đó, để khắc phục những hạn chế này, nhiều ý kiến đề nghị cần phải coi Quỹ Bình ổn là quỹ quốc gia, được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý nhà nước, tốt nhất là Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương.

L.N

Ý kiến bạn đọc