Hội Nông dân xã Ea Kmút (huyện Ea Kar): Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả
Tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình, thành lập câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp, vận động giúp nhau về vốn, giống, phân bón, ngày công… là những cách làm thiết thực được Hội Nông dân (HND) xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) triển khai trong nhiều năm qua nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Từ đó xuất hiện những cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất – kinh doanh giỏi.
Vốn xuất thân từ nông dân nên khi đặt chân vào vùng đất Dak Lak, có ít vốn nào anh Đặng Văn Chung ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút) đều dồn cả để mua đất trồng hoa màu. Loay hoay chuyển đổi hết từ trồng các cây họ đậu sang trồng ngô đến cả cây bông vải nhưng cũng chỉ đủ ăn, đó là chưa kể đến những năm hạn hán, mất mùa. Nắm bắt được đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Tây Nguyên, anh mạnh dạn học tập kỹ thuật trồng các loại cây công nghiệp và quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích đất hiện có của gia đình để trồng điều, cà phê. Sau một lần được HND xã mời tham dự hội thảo trồng cây ca cao dưới tán điều, anh Chung quyết định thử nghiệm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm năm 2007 gia đình anh đã trồng xen canh thành công 1.000 cây ca cao trong vườn điều rộng 3 ha và hiện ca cao đã cho thu hoạch với sản lượng 1 tấn hạt khô/năm. Xác định làm nông nghiệp muốn thành công phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phòng tránh rủi ro nên song song với việc phát triển trồng trọt, gia đình anh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi 20 con heo nái và hàng trăm heo thịt. Đến nay, với 2 ha cà phê cho thu hoạch năm thứ 2; 3 ha điều trồng xen canh ca cao; 3,5 sào lúa 2 vụ; chăn nuôi heo và kinh doanh nông sản, mỗi năm gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng. Trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, anh Chung cho biết, trồng trọt và chăn nuôi luôn hỗ trợ rất đắc lực cho nhau. Phế phẩm chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống biogas không chỉ dùng để thắp sáng, nấu bếp mà còn được ủ với vỏ cà phê thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh cũng giảm được 30% chi phí đầu tư. Điều đáng nói, mô hình trồng xen canh cây ca cao dưới tán điều của gia đình anh Chung đã được HND xã chọn làm điểm để tổ chức cho hội viên tham quan học tập và nhân rộng. Đến nay, 80% diện tích trồng điều (khoảng 220 ha) của xã đã được trồng xen cây ca cao.
Gia đình anh Đặng Văn Chung là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng cây ca cao xen canh trong vườn cà phê ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar). |
Ông Hoàng Đình Doanh, Chủ tịch HND xã khẳng định, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng đa cây, đa con, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Nông dân không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình mà còn đóng góp tiền và ngày công nâng cấp đường giao thông nông thôn, sửa chữa cầu, kênh mương, ủng hộ quỹ xóa nhà tạm, đền ơn đáp nghĩa… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn.
Ý kiến bạn đọc