Huyện Cư Mgar: Hướng sản xuất sạch và bền vững cho nông nghiệp
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn; giảm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, năm 2008 Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ biến phế phẩm nông nghiệp thành phân vi sinh tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar). Sau những kết quả khả quan, đến nay 100% hộ dân trên địa bàn xã đã ứng dụng mô hình này.
Những năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa ngày một tăng nhanh, đời sống người nông dân được cải thiện, do đó, tình trạng bỏ phí những phế phẩm nông nghiệp đã trở thành một vấn nạn chung, gây ô nhiễm môi trường và sản xuất. Sau mỗi vụ mùa, để giải phóng đồng ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa sau, bà con nông dân thường xử lý các phụ phẩm như rơm rạ, vỏ cà phê, cùi ngô, sắn… bằng cách đốt hoặc thải ra các tuyến đường liên thôn, buôn. Điều này đã gây ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường. Để giải quyết vấn đề này, sau khi mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để biến phế phẩm nông nghiệp thành phân vi sinh tại xã Quảng Hiệp có kết quả, người dân đã nhân rộng cách làm này nhằm tận dụng những phế phẩm trong nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng. Khi nhân rộng mô hình này, Hội Nông dân xã đã mời bà con nông dân đến hướng dẫn, tuyên truyền ý nghĩa và cách sử dụng men vi sinh để xử lý phế phẩm nông nghiệp phục vụ cho đồng ruộng.
Có thể nói, việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn nguyên liệu phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp khá đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Cụ thể, để sản xuất 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh từ vỏ trấu, cà phê hay cùi ngô, sắn thì cần 1.000 kg phụ phẩm đó cộng với 200 kg phân chuồng, 10 kg phân urê và khoảng 2kg chế phẩm men vi sinh Bio-wa; trộn đều tất cả, tưới nước vừa ẩm, vun thành luống cao từ 1,3 đến 1,5 mét, bề rộng luống từ 2,3 đến 3 mét. Sau đó, dùng bạt phủ kín để giữ ẩm, giữ nhiệt, khoảng 2 tháng sau thì các phụ phẩm nông nghiệp đã hoai mục, có thể đem bón cho các loại cây trồng. Điều đặc biệt, để sản xuất 1 tấn phân vi sinh từ các phụ phẩm nông nghiệp chỉ tốn chi phí khoảng 400.000 đến 500.000 đồng và tiết kiệm từ 30-70% lượng phân hóa học phải mua bón cho cây trồng. Qua đó, bà con có thể chủ động nguồn phân bón hữu cơ vi sinh có chất lượng cao; phục hồi và duy trì độ phì nhiêu, màu mỡ đất canh tác; góp phần xử lý các chất thải nông nghiệp ở nông thôn hiện nay. Đồng thời, có thể giúp người dân tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp tại gia đình để tạo ra lượng phân bón với giá thành rẻ; hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.
Nhờ tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân vi sinh, gia đình ông Lô Ngọc Bá đã tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng. |
Hiện nay, cách làm phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp tại các nông hộ xã Quảng Hiệp đã thực sự trở thành một nhu cầu tất yếu, với những gia đình có diện tích cây trồng ít, họ thường gom các phụ phẩm của vụ mùa trước và vụ mùa sau lại để sản xuất. Trung bình mỗi năm, nông dân địa phương đã tự sản xuất hơn 1.000 tấn phân vi sinh để bón cho cây trồng, điều này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần cải thiện môi trường sống xung quanh. Ông Nguyễn Văn Tập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “Khi nhân rộng mô hình biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân vi sinh, Hội đã chọn 12 hộ nông dân tại 12 thôn của xã để hỗ trợ chế phẩm men vi sinh Bio-wa và hướng dẫn cách làm. Nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả, nên 1 năm sau hầu hết mọi người đã triển khai tại nông hộ của mình. Thực tế cho thấy, cách làm này đã cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải và chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây cũng là chế phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn không gây độc hại cho cây trồng, con người và môi trường. Chế phẩm còn có khả năng phân hủy cả các chất hữu cơ tươi và khô, có tác dụng lâu dài…”. Xây dựng môi trường sống thân thiện, không ô nhiễm, ngăn ngừa biến đổi khí hậu đang được sự quan tâm của toàn xã hội. Do đó, việc nhân rộng mô hình sử dụng phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp sẽ phần nào nâng cao ý thức người dân trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường. Mặt khác, việc tận dụng thu gom phế phẩm nông nghiệp tạo được lợi nhuận cho người nông dân, nâng cao chất lượng và năng suất khi thu hoạch sản phẩm.
Ý kiến bạn đọc