Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

10:18, 28/10/2011

Bắt đầu với 1ha đất trồng cà phê và chăn nuôi heo quy mô nhỏ, sau nhiều năm ông Nguyễn Hữu Vệ ở khối 3A (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã phát triển diện tích đất canh tác của gia đình lên 6 ha. Nắm trong tay một quỹ đất kha khá, ông luôn trăn trở phải làm sao phát huy tối đa lợi thế đất đai. Vì vậy, ngoài việc tham khảo sách báo, mỗi khi nghe giới thiệu ở đâu có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, ông lại lặn lội đến tận nơi tham quan, học tập. Từ vốn kiến thức tích lũy được, ông quy hoạch, phát triển trang trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Song song với việc phát triển 2.000 cây cà phê, ông trồng 1.000 cây tiêu, trong đó có 600 trụ xây. Qua tham khảo thị trường, nhận thấy cây mít nghệ cao sản dễ trồng, cho năng suất cao, đầu ra lại thuận lợi nên tích lũy được vốn liếng đến đầu, ông đầu tư trồng cây mít nghệ đến đó. Nhờ vậy, đến nay, gia đình ông đã trồng được 2.300 cây mít nghệ. Theo hoạch toán của ông, mỗi cây mít chỉ cần từ 4-5 quả, sau khi bóc tách bán sản phẩm cho các đại lý, mỗi quả khoảng 40.000 đồng, thì mỗi năm thu được trên 360 triệu đồng từ vườn mít. Với suy nghĩ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định và hạn chế rủi ro khi thị trường có sự biến động, nên song song với phát triển trồng trọt, ông đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi 150 heo nái, 15 heo đực giống và 3.000 heo thịt.

Trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Vệ đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Vệ đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Theo ông Vệ thì việc phát triển chăn nuôi heo không chỉ tăng thu nhập mà nguồn phân thu được còn hỗ trợ tích cực trong việc chăm sóc các loại cây trồng. Thông qua việc xây dựng hầm biogas, tận dụng cỏ, lá cây, vỏ cà phê và phế phẩm chăn nuôi để ủ phân vi sinh bón cho cây trồng. Nhờ vậy, đã hạn chế việc sử dụng phân hóa học, lại cải tạo được đất, bảo vệ môi trường nên cây phát triển xanh tốt, hạn chế sâu bệnh và chi phí đầu tư nhưng vẫn cho năng suất cao. Để bảo đảm việc chăn nuôi heo hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, ngoài việc chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản, theo mô hình chăn nuôi khép kín, ông Vệ còn tuyển dụng 2 bác sĩ thú y, 1 kỹ thuật viên và 5 công nhân làm việc lâu dài tại trang trại. Bao công sức, sự tính toán kỹ lưỡng, nhanh nhạy nắm bắt thị trường của gia đình ông sau 20 năm đã được đền đáp xứng đáng bởi hiện nay, mỗi năm trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã đem lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân và 20 lao động thời vụ ở địa phương. “Làm nông nghiệp phải thực sự kiên trì và có lòng say mê, dồn hết tâm trí, sức lực chăm sóc cây trồng, vật nuôi như chăm lo cho người thân của mình, có như vậy mới đi đến thành công”, ông Vệ chia sẻ.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Vệ còn tham gia tích cực, nhiệt tình vào các hoạt động xã hội. Ông đã đầu tư 70 triệu đồng kéo điện về phục vụ sản xuất của trang trại và sinh hoạt của 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông cũng đóng góp 10 triệu đồng tu bổ đường giao thông nông thôn, hỗ trợ 1 tấn gạo cho hộ nghèo ăn tết, đi đầu trong việc ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, “Khuyến học – khuyến tài”, “Xóa nhà tạm” ở địa phương... Điều đáng nói, để giúp bà con phát triển kinh tế, gia đình ông đầu tư mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; tư vấn, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc cho những hộ dân có nhu cầu.

Yến Ngọc

Ý kiến bạn đọc