Tìm giải pháp ổn định nguồn cung thực phẩm
08:21, 17/10/2011
Sau 2 tháng thiếu nguồn cung, giá thực phẩm bất ngờ giảm với lý do thừa cung khiến người chăn nuôi lại lao đao.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm và giải pháp để ổn định thị trường thực phẩm trong những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc người chăn nuôi đang bị ép giá.
Giá lợn hơi và giá gia cầm xuất chuồng giảm mạnh |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, từ tháng 4 đến tháng 7, giá thịt heo đã tăng tới 74% và gà tăng khoảng 47%, nhưng hiện nay lại đang giảm mạnh, gây khó khăn lớn đối với người chăn nuôi. Giá thịt tháng 9 đã giảm 11% so với tháng 8 và giảm 25% so với thời điểm tăng giá cao nhất. Tuy nhiên, việc giảm giá này chỉ mang tính chất nhất thời, vì hiện đang là đợt thu hoạch rộ lứa sản phẩm chăn nuôi, cộng thêm tình hình lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu long buộc nhiều chủ trại phải bán tháo heo, gia cầm, tư thương lợi dụng ép giá nông dân, đầu cơ ghìm giá.
Đáng lưu ý là giá lợn hơi và giá gia cầm xuất chuồng rất rẻ, giảm tới 40% so với đợt cao điểm; nhưng tại các chợ lẻ, giá thịt đến tay người tiêu dùng giảm không đáng kể. Theo TS. Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sau khi “bỏ đàn” do dịch bệnh hồi đầu năm, người dân lại đổ xô nuôi theo phong trào khi thấy giá tăng cao, đẩy giá thành đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhất là giá con giống đắt gấp 3 lần so với bình thường. Khi đến lứa, lại đổ xô bán, khiến lượng tiêu thụ tăng đột biến và giá sụt giảm.
Giá thịt đến tay người tiêu dùng giảm không đáng kể |
Sản xuất chăn nuôi trong nước đáp ứng 90% nhu cầu thịt tiêu thụ trên thị trường, nhưng sản xuất vẫn mang tính tự phát, theo phong trào và không có quy hoạch. Trong khi đó, các biện pháp chăn nuôi bền vững lại chưa được Nhà nước quan tâm thỏa đáng, người chăn nuôi nhỏ, lẻ không được hỗ trợ... Do đó, thị trường không tránh khỏi tình trạng “lúc thiếu, lúc thừa” nguồn cung .
Theo ông Xuân, để giải quyết nghịch lý này, cần có các giải pháp đồng bộ: người nông dân phải biết liên kết chặt chẽ, chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ để tự chủ được sản phẩm do mình sản xuất ra và hạn chế tối đa các khâu trung gian; tổ chức lại hệ thống phân phối hiện đại để thay thế dần các hoạt động phân phối truyền thống hiện nay; các cơ quan chức năng từng bước thiết lập thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm cạnh tranh lành mạnh có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia.
H.H (
Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc