Vốn tái đầu tư cho sản xuất cà phê: Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Chỉ còn khoảng hơn nửa tháng nữa là người trồng cà phê ở Dak Lak bước vào vụ thu hoạch mới. Với giá cà phê đang ở mức 37-38 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng cà phê bớt được phần lo lắng về việc trả các khoản nợ mà trước đó họ đã vay mượn để đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên thực trạng giá cả các mặt hàng đầu tư cho sản xuất cà phê không ngừng tăng cao…đang là nỗi lo của người trồng cà phê.
Nông dân làm cà phê chưa hết khó khăn
Tình hình giá cả nhiều mặt hàng liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê chưa được bình ổn, thậm chí đang hình thành mặt bằng giá mới (lần sau cao hơn lần trước) đã tác động bất lợi đến quá trình tái đầu tư sản xuất trong niên vụ tiếp theo. Ông Đào Tăng, một người trồng cà phê ở xã Ea Toh - huyện Krông Năng tính toán: vụ này ông thu được khoảng 3 tấn cà phê, sau khi trừ mọi khoản chi phí (vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới, xăng dầu, công chăm sóc, thu hái…), ông chỉ còn lại khoảng 70 triệu đồng để đem tái đầu tư cho vườn cây (hơn 1 ha). Ông Tăng nhận xét: Nếu đem so sánh giá cà phê hiện nay với giá cà phê cách đây vài năm thì thấy tăng lên 2- 2,5 lần. Người ngoài cuộc cứ tưởng nông dân làm cà phê thắng lớn, nhưng nếu làm một “bài toán” thu chi cụ thể mới biết chẳng lời là bao. Ví dụ giá cà phê vào những niên vụ 2008-2009 ở mức 23.000-24.000 đồng/kg, thì giá phân bón chỉ ở mức 460.000-470.000 đồng/bao. Còn năm nay cà phê có lúc lên trên 45.000 đồng/kg thì phân bón cũng đã lên giá gần gấp đôi, nên mức lợi nhuận đem lại từ loại cây trồng này không cao. Còn ông Nguyễn Tấn Hưng ở thị trấn Ea Pôk - huyện Cư M’gar cho hay: Niên vụ này thu được bao nhiêu, ông sẽ bán hết để trang trải nợ nần đã tạm ứng trước. Theo ông Hưng, nếu bán hết số cà phê thu được trong năm nay (khoảng hơn 4 tấn) sẽ được xấp xỉ 160 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư của vụ trước, số tiền còn lại cũng chỉ đủ dành để tái đầu tư cho vườn cây trong niên vụ tiếp theo. Nỗi lo này càng lớn đối với các hộ làm cà phê có qui mô nhỏ lẻ (từ 5-7 sào đến 1 ha). Trên thực tế, số hộ có diện tích nhỏ lẻ này chiếm tỷ lệ khá lớn-hơn 60 % trên tổng số gần 515.000 hộ trồng cà phê trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay. Rõ ràng vấn đề tích lũy, tạo vốn để tái đầu tư, sản xuất một cách bền vững đối với người trồng cà phê trong tỉnh đang là bài toán nan giải.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các nông hộ trồng cà phê trên địa bàn Dak Lak sống được nhờ một phần rất lớn vào sự “tiếp sức” của các đại lý. Từ vật tư, phân bón, đến thuốc trừ sâu, xăng dầu…đều phải ứng trước từ các đại lý thu mua cà phê. Đến vụ thu hoạch, thanh toán các khoản nợ nần xong lại ứng tiếp để đầu tư mới; nhất là các hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì “vòng quay” này không biết đến bao giờ mới chấm hết! Còn nhớ cách đây 2 năm, khi giá cà phê xuống thấp trong thời gian dài, nằm ngoài hầu hết các dự báo, nên không chỉ người trồng gặp khó khăn vì thiếu vốn, mà còn khiến một số đại lý thu mua cà phê ở Dak Lak bị phá sản. Những đại lý còn lại đều phải thay đổi phương thức kinh doanh: thu mua cà phê cầm chừng và tạm ngừng việc ứng vốn trước cho nông dân, khiến người làm cà phê thật sự lao đao, hụt hẫng, Tình trạng này hiện nay không phải không còn xảy ra, bởi các đại lý thu mua cà phê sau hơn một năm gượng dậy nhờ giá cà phê tăng, đã rất e dè trong việc cho người sản xuất ứng trước vì sợ xảy ra rủi ro. Chính tâm lý đó đã làm cho người trồng cà phê không khỏi lo lắng khi nghĩ đến nguồn vốn tái đầu tư tiếp theo…
Đầu tư, chăm sóc vườn cà phê ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. |
Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Được biết trong niên vụ cà phê 2011-2012, Bộ NN-PTNT đề nghị các ngân hàng cân đối nguồn vốn (từ 16.000-20.000 tỷ đồng) để thu mua, tạm trữ cà phê khoảng 300.000 tấn trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể nói, đây là động thái tích cực và cần thiết giúp các doanh nghiệp (DN), các nhà xuất khẩu cà phê trong nước chủ động hơn trong việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng chiến lược và nhạy cảm này.
Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu tâm tư một số DN, nhà xuất khẩu, được biết: cũng như niên vụ trước, họ chủ trương thu mua cà phê để xuất khẩu ngay, còn mua để tạm trữ thì ít có đơn vị nào dám “mạnh tay”, vì khó lường trước “biểu đồ” lên xuống thất thường của mặt hàng này. Ông Nguyễn Xuân Thái- Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thắng Lợi cho rằng: sức ép về mặt lãi suất khi vay vốn ngân hàng để mua cà phê tạm trữ khiến DN e ngại, không đủ tự tin đón nhận chủ trương trên, trong khi đó người làm cà phê đang thiếu vốn, phải chạy vạy để có khoản tái đầu tư, sản xuất. Vì thế, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho người làm cà phê. Nếu nông dân được hỗ trợ vốn thì chắc chắn bài toán thiếu vốn tái đầu tư, sản xuất trong niên vụ tới sẽ được giải quyết một phần cơ bản. Người trồng cà phê ở Dak Lak đang mong muốn được hỗ trợ kịp thời, trực tiếp từ phía Nhà nước thông qua nguồn vốn vay lãi suất thấp của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhằm giữ được lượng cà phê trong dân, chờ cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm mà họ đã vất vả làm ra. Việc hỗ trợ vốn cho người trồng cà phê trong bối cảnh thị trường biến động khó lường như hiện nay, còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho Ngành cà phê Việt Nam dồn sức tái đầu tư, tăng năng suất và sản lượng hàng hóa trong những niên vụ tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc