Multimedia Đọc Báo in

Quản lý thuế: Đâu là biện pháp căn cơ?

06:55, 21/02/2012

Năm 2011, việc thu thuế, phí trong tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá cao (hơn 2.853 tỷ đồng), tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác quản lý thuế vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Nhìn lại kết quả thu thuế, phí những năm qua cho thấy con số tuyệt đối đạt tương đối cao so với kế hoạch đề ra, nhưng phân tích kỹ từng khoản thu, từng sắc thuế mới thấy con số này chưa thật sự bền vững. Kết quả đạt được năm 2011, trước hết phải kể đến sự nỗ lực của ngành thuế trong việc quản lý thu, song cũng phải thừa nhận yếu tố khách quan chiếm một vị trí khá quan trọng đưa đến kết quả này. Chẳng hạn, thu từ khu vực quốc doanh trung ương tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các công trình thủy điện đi vào hoạt động kéo theo thuế tài nguyên thu được cao; sản lượng và giá cả cao su tăng cao so với năm trước làm cho số thu từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng theo. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng hơn 30% so với cùng kỳ là nhờ sản lượng cà phê niên vụ 2010-2011 tăng gần 5% so với vụ trước; giá cà phê cũng tăng cao, có thời điểm lên 51.000 đồng/kg v.v… Những yếu tố trên cũng góp phần quan trọng trong việc “ăn nên làm ra” đối với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật tư, phân bón nên số thuế đóng vào ngân sách tăng lên. Tương tự, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân tăng là do giá cao su tăng dẫn đến thu nhập của người lao động trong ngành này tăng; lệ phí trước bạ đạt cao cũng do thu nhập của người lao động tăng cao nên mua sắm phương tiện đi lại nhiều và một bộ phận không nhỏ “tranh thủ” mua ôtô trước khi Chính phủ điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ… Trong khi đó, kết quả thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương lại không cao. Nguyên nhân, trong năm 2011, Chi nhánh Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-miền Trung tại Dak Lak được giao sản lượng thấp hơn mọi năm; sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn; Chính phủ cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp… đã lập tức kéo giảm số thu từ khu vực này còn chưa bằng 76% so với cùng kỳ.

Khai thác khoáng sản - một trong những lĩnh vực thất thu thuế tương đối lớn (ảnh minh họa).
Khai thác khoáng sản - một trong những lĩnh vực thất thu thuế tương đối lớn (ảnh minh họa).

Năm 2012, tổng thu ngân sách Nhà nước do HĐND tỉnh giao là 4.158 tỷ đồng, trong đó thu thuế, phí là 3.450 tỷ đồng; ngành thuế đã đặt ra mục tiêu thu vượt ít nhất 5%-8%. Theo đó, ngành đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nghiệp vụ như tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu thuế, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra phải trên cơ sở phân tích rủi ro; các chi cục phải tiến hành thanh tra 1,5% và kiểm tra 12,5% số doanh nghiệp đang quản lý. Đặc biệt, đối tượng thanh tra sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, nông sản, khách sạn, khoáng sản, nhất là những DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh lỗ, có số nợ thuế lớn doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh kiểm tra, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế… Về công tác thu và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu giảm 50% nợ chờ xử lý, thu 100% nợ có khả năng thu để đến cuối năm 2012, tổng nợ đọng thuế không quá 5%/tổng số thu. Để làm được điều này, ngành thuế sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ sự biến động của các khoản nợ thuế, xây dựng phương pháp đánh giá phân loại các khoản nợ trên cơ sở thông tin và đánh giá kỹ thuật rủi ro, đồng thời, triển khai kịp thời các biện pháp cưỡng chế theo quy định, đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế; thực hiện tốt cơ chế “một cửa” tại bộ phận hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế các cấp.

Tình trạng thất thu thuế ở khu vực ngoài quốc doanh, nhất là lĩnh vực kinh doanh nông sản, xăng dầu, nhà hàng, khách sạn, vận tải tư nhân, xây dựng cơ bản… còn rất lớn. Không ít doanh nghiệp lợi dụng việc người mua hàng không lấy hóa đơn để bỏ doanh thu ngoài sổ sách nhằm trốn thuế, thậm chí có những doanh nghiệp xây dựng định mức lương, nguyên, nhiên liệu khống nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp có doanh số phát sinh lớn nhưng kê khai số thuế phải nộp rất thấp hoặc kê khai thuế GTGT đầu ra chỉ xấp xỉ với thuế GTGT đầu vào; cá biệt có trường hợp kê khai thuế GTGT âm liên tục nhưng cơ quan thuế vẫn chưa có biện pháp để xử lý hiệu quả. Chính điều này đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người nộp thuế với nhau. “Cùng có số doanh thu như nhau, nhưng người trung thực thì nộp thuế đủ, còn người gian dối thì không bị xử lý nghiêm túc là điều không thể chấp nhận được” - giám đốc một doanh nghiệp phàn nàn. Chính vì vậy, ngành thuế phải có biện pháp thu thập thông tin của người nộp thuế một cách đầy đủ, kịp thời, từ đó mới có thể nâng cao chất lượng giám sát, thanh kiểm tra, đồng thời có cơ sở xử lý hiệu quả những trường hợp gian lận thuế, đem lại sự công bằng giữa những người nộp thuế với nhau.

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc