Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình nông dân người dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện M’Drak

08:32, 05/03/2012

Những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã được nông dân trên địa bàn huyện M’Drak nhiệt tình hưởng ứng. Và từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; trong số đó, có không ít nông dân là người Êđê, Mông, Tày, Nùng… Sự phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo của những nông dân này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện M’Drak.

Vốn xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp lâu đời tại địa phương, ông Y Duk Hwing, hội viên Hội nông dân chi hội 1 xã Ea Trang (M’Drak) có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất lúa, trồng màu dưới chân ruộng, chăn nuôi, buôn bán nhỏ và trồng rừng. Lập nghiệp vào năm 1979 với 1 ha đất sản xuất được cha mẹ cho, sau một thời gian dài canh tác, cùng với sự cần cù chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, và tham quan học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả, ông Y Duk đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để áp dụng hiệu quả vào các mô hình sản xuất. Đến nay, sau nhiều năm tích cóp, gia đình ông đã có tổng diện tích đất canh tác 16,6 ha, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa, 0,3 ha ngô, 2 ha sắn, 4 ha mía, ngoài ra còn có 10 ha rừng keo đã đủ năm khai thác. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như áp dụng phương pháp gieo sạ theo đúng lịch thời vụ, chương trình quản lý dịch hại trên cây lúa, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống chất lượng nên năng suất vườn cây của ông đạt cao. Hiện nay, tổng thu nhập bình quân của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng/năm; trong đó thu nhập từ trồng rừng đạt trên 30 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn săn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà mình tích lũy được cho bà con trong thôn, xã ứng dụng, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Mô hình kinh tế của gia đình ông Y Duk đã được công nhận là mô hình sản xuất tiêu biểu của huyện 5 năm liền.

Mô hình canh tác lúa kết hợp trồng màu, chăn nuôi của gia đình anh Mã Văn Sính, người dân tộc Mông, là hội viên nông dân thôn 4 xã Krông Á cũng là một mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện M’Drak. Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu của mình, anh Mã Văn Sính phấn khởi cho biết: “Để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, gia đình tôi xác định phải dựa vào sức mình là chính và dám nghĩ, dám làm.  Bên cạnh đó, muốn sản xuất hiệu quả thì phải có phương án sản xuất kinh doanh thích hợp với mô hình mình đã lựa chọn, sản xuất theo quy hoạch, đồng thời nắm bắt thông tin, tiếp cận với thị trường và tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”. Hiện nay, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế của gia đình anh Sính đã đạt mức 150 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thực lãi còn hơn 80 triệu đồng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của gia đình anh Sính ngày càng ổn định. Bên cạnh đó, gia đình anh còn giúp các gia đình nghèo, khó khăn 2 con trâu cái nuôi rẽ, cho vay vốn không tính lãi, giúp ngày công lao động và giúp đào giếng nước phục vụ sinh hoạt gia đình...       

H’Lium Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc