Cà phê chế biến sâu trên đường chinh phục thị trường
Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cứ 10,5 ly cà phê thế giới uống có 1,5 ly cà phê từ Việt Nam. Điều này cho thấy cà phê Việt Nam chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường cà phê thế giới. Thế nhưng, phần lớn trong số họ đều không biết đến điều này, bởi cà phê Việt Nam đến với thế giới chủ yếu là nguyên liệu thô, sau khi nó đã được chế biến sâu và khoác trên mình một thương hiệu khác.
Thương hiệu cà phê Việt Nam được quảng bá đậm nét thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 - 2011. |
Số liệu từ Vicofa cho thấy: niên vụ cà phê 2011 có khối lượng xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, giá trị kim ngạch 2,7 tỷ USD. Là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, nhưng giá trị mà cà phê mang lại không tương xứng với tiềm năng của một nước được xem là thủ phủ cà phê toàn cầu như Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây, liên tục các Hội thảo về cà phê được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê của cả nước thu hút nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như doanh nghiệp và người trồng cà phê. Vicofa đã chỉ ra những yếu kém, tồn tại của ngành cà phê: chất lượng vùng nguyên liệu chưa bảo đảm; công nghệ chế biến lạc hậu; chưa tạo được liên minh bền vững trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ… Dak Lak, dẫn đầu cả nước với tỷ lệ cà phê xuất khẩu chiếm hơn 50%; Buôn Ma Thuột lại là thành phố khá độc đáo với những phố cà phê, “quê hương” của nhiều nhà rang xay nổi tiếng…, nhưng công nghiệp chế biến cà phê vẫn chưa thực sự phát triển. Với hơn 100 cơ sở chế biến cà phê, công suất bình quân 300.000 - 400.000 tấn/năm, tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu của Dak Lak chủ yếu là cà phê nhân, còn cà phê bột, hòa tan (đã qua chế biến sâu) lại chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 7%. Theo Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh có chủ trương hạn chế dần tình trạng xuất khẩu cà phê nhân thô, đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến sâu, nhằm tăng giá trị kinh tế. Với chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan công suất lớn từ 700-1.000 tấn sản phẩm/năm/dự án, tỷ lệ cà phê đã qua chế biến sâu sẽ tăng lên từ 14-15% trong tổng sản lượng cà phê trên địa bàn. Hiện cả tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan quy mô lớn và có thương hiệu trên thị trường như Trung Nguyên, An Thái, Nam Nguyên... Các doanh nghiệp này đang đầu tư vốn mở rộng và nâng công suất của các nhà máy chế biến hiện có: Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Cà phê Ngon, 100% vốn Ấn Độ đầu tư trên 18 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty Cổ phần Cà phê An Thái đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan từ 1.000 tấn lên 2.500 tấn/năm.
Một điều dễ nhận biết là dù sản lượng cà phê nhân nước ta có tăng lên bao nhiêu mà công nghiệp chế biến vẫn dẫm chân tại chỗ thì việc xuất khẩu vẫn chỉ bằng ở thành tích của một cường quốc cà phê “xuất thô” mà thôi. Bình quân mỗi năm cả nước chỉ mới sản xuất được 20.000 tấn cà phê hòa tan và cà phê rang xay, chủ yếu là tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy, đầu tư cho dây chuyền công nghệ chế biến sâu để giảm dần các sản phẩm sơ chế, tạo ra được những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có thương hiệu uy tín để nâng giá trị xuất khẩu, và có thể cạnh tranh với những, thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới là vấn đề chiến lược của ngành cà phê cũng như doanh nghiệp trong nước muốn “sống còn” với cà phê. Hiện một số công ty cà phê thuần Việt như Trung Nguyên, Vinacafe, Mê Trang… đã xây dựng hình ảnh, dần định hình được thương hiệu trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đang mở rộng đầu tư các sản phẩm chế biến sâu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với thương hiệu cà phê rang xay có mặt ở khá nhiều nước: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Đức…, Cà phê Trung Nguyên đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường. Và khi sản phẩm cà phê hòa tan G7 của doanh nghiệp này được tung ra thị trường vào năm 2003, cùng với Vinacafé, thương hiệu cà phê Việt được người tiêu dùng trong nước chú ý đến bên cạnh “đại gia” cà phê thế giới như Nescafe, King..., đến tháng 10-2011, sản phẩm này chính thức vào hệ thống siêu thị bán lẻ của 2 tập đoàn hàng đầu thế giới Costco (Mỹ) và E-Mart (Hàn Quốc).
Như ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã trao đổi trong Hội thảo Phát triển cà phê bền vững được tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 -2011: không cách nào khác, để trở thành cường quốc cà phê theo đúng nghĩa, ngoài việc quan tâm nâng cao chất lượng cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm cà phê tinh chế. Cà phê Việt Nam chỉ đủ uy tín để chinh phục thế giới khi nó phải được khẳng định tên tuổi bằng một thương hiệu cụ thể mang linh hồn của cà phê Việt.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc