Triển vọng từ mô hình canh tác cà phê vối theo hướng bền vững
Nhằm giúp bà con sản xuất bền vững và hiệu quả hơn đối với cây cà phê, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành mô hình trình diễn canh tác cà phê vối theo hướng bền vững tại 4 huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar và Krông Pak. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã cho thấy nhiều kết quả triển vọng.
Vườn cà phê của anh Hoàng Dần ở xã Hòa Thắng TP. Buôn Ma Thuột canh tác theo hướng bền vững cho năng suất 4 tấn/ha. |
Tại vườn cà phê có tuổi đời trên 25 năm của gia đình ông Đinh Thanh Thiên, thôn Phước Lập 1, xã Ea Kuăng (Krông Pak) các nhà khoa học chọn ngẫu nhiên 5 sào để thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn, 5 sào còn lại có cùng điều kiện sinh trưởng phát triển do gia đình tự chăm sóc đối chứng. Qua 2 năm thực hiện, ông Thiên đã nhận thấy có sự khác biệt về đầu tư, chăm sóc cũng như hiệu quả sản xuất ngay trên vườn cà phê của mình. Tại 5 sào cà phê được chăm sóc theo hướng dẫn, cà phê phát triển ổn định hơn, ít sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ đậu quả cao, quả to, năng suất ổn định mỗi năm khoảng 3,5 tấn/ha. Trong khi phần diện tích do gia đình ông Thiên tự chăm sóc 2 năm nay có năm được, năm mất, năng suất cao nhất cũng đạt 3,5 tấn/ha song mức đầu tư cao hơn gần 3 triệu đồng/ha.
Mô hình canh tác cà phê vối theo hướng bền vững được thực hiện tại 4 vườn cà phê vối ở 4 nền đất khác nhau thuộc huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar và Krông Pak. Ở 4 vườn cà phê này, các nhà khoa học tiến hành hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình chăm sóc trên 50% diện tích, 50% còn lại do nông dân tự chăm sóc đối chứng. Trên phần diện tích triển khai mô hình, nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân thực hiện canh tác theo các tiến bộ khoa học đã được tổng hợp như: Rong tỉa cây che bóng; bón phân theo độ phì dinh dưỡng đất và năng suất của cây, tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá; ghép cải tạo thay thế những cây gốc xấu bằng những dòng vô tính chọn lọc...
Hiệu quả trên cả 4 vườn cà phê đều cho thấy sau 2 năm, chi phí đầu tư theo mô hình thấp hơn so với đối chứng trong khi độ phì nhiêu của đất được nâng lên, đất tơi xốp hơn, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể, tỷ lệ đậu quả tăng lên khoảng 4%, thu nhập tăng thêm từ 2,6-3,7 triệu đồng/ha.
Minh Trang
Ý kiến bạn đọc