Multimedia Đọc Báo in

“Bắt mạch” doanh nghiệp thời gian khó

08:19, 04/06/2012

Kỳ II: “Mắc bão” do đâu?(*)

Gần 100% DN của Dak Lak thuộc nhóm nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không mạnh, năng lực quản trị, điều hành cũng còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, DN rất dễ bị tổn thương, dẫn đến đổ vỡ khi gặp những thay đổi, tác động ngoài dự kiến…

Chuyện cũ nhưng vẫn mới

Sau mấy năm kể từ ngày thành lập, đến năm 2007, DN tư nhân T. (TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu vay vốn ngân hàng (NH) mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Liên tục những năm sau đó, lãi suất tiền vay luôn ở mức cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp không ít khó khăn do lợi nhuận thu được trong nhiều thời điểm không đủ trả lãi vay. Không có vốn, DN phải “giật gấu vá vai”, vay nóng bên ngoài với lãi suất 4%/tháng, thậm chí là 1%/ngày để đầu tư sản xuất hoặc đáo hạn NH. Chưa đầy 10 năm kể từ ngày tham gia thị trường, đến nay, khối “tài sản” mà DN còn lại là… món nợ gần 1 tỷ đồng tại một NH mà chính giám đốc DN này cũng chưa biết khi nào mới trả được.

DN ngành gỗ cũng đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng.
DN ngành gỗ cũng đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng.

Trong vài năm trở lại đây, việc vay vốn tín dụng từ các NH gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng DN ngày càng nhiều, nhu cầu vốn đầu tư ngày càng lớn nhưng vốn tín dụng liên tục bị “siết” lại bằng các hình thức tăng lãi hoặc không cho vay khiến DN càng thêm lao đao. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2011, tổng doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng chỉ trên 52.000 tỷ đồng thì tổng doanh số thu nợ cũng đã trên 49.800 tỷ đồng. Tính ra, số vốn còn “ở lại” với khách hàng, trong đó có các DN chỉ hơn 2.000 tỷ đồng – một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Tình trạng doanh số thu nợ lớn hơn doanh số cho vay tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2012 khiến số vốn phục vụ nền kinh tế liên tục “teo” lại. Nếu như cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 31.544 tỷ đồng thì đến tháng 4-2012, con số này “tụt” xuống chỉ còn khoảng 31.112 tỷ đồng. Vốn được xem là máu của DN nên khi không có vốn, nhiều DN đã phải vất vả tìm đến những nguồn vốn vay “phi ngân hàng” với lãi suất cao ngất ngưỡng để chống chọi qua cơn bĩ cực. “Các NH luôn phủ nhận chuyện họ khó khăn về nguồn vốn cho vay và cho rằng đã tích cực hỗ trợ khách hành bằng cách thường xuyên cải cách thủ tục vay vốn, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương … Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các NH là một việc không hề đơn giản đối với nhiều DN, nhất là các DN mới thành lập. Trong nhiều trường hợp, DN phải nhờ đến sự “giúp đỡ” của các cò tín dụng mới vay được vốn”, đại diện nhiều DN cho biết.

Lãi suất luôn duy trì ở mức cao do lạm phát đã làm tăng chi phí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tình trạng lãi suất cao, các chi phí đầu vào cũng cao như thời gian qua càng khiến cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên không ít, trong khi đó, sức tiêu thụ sản phẩm lại giảm mạnh dẫn đến vòng quay đồng vốn chậm, gây đình trệ hoạt động của DN. Báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình DN trên địa bàn tiếp tục khẳng định, thiếu vốn cho sản xuất là khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN. Các DN nhỏ và vừa có số vốn kinh doanh ít, nên nhu cầu vay vốn cho đầu tư sản xuất là rất lớn, nhưng tài sản thế chấp chưa thuyết phục nên khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Thuyền nhỏ lại muốn câu cá to!

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thiếu vốn đã và đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động của DN là câu chuyện có thật. Song, ngoài câu chuyện có vẻ cũ nhưng luôn mới này, các vấn đề liên quan thể hiện nội lực của DN như trình độ quản trị điều hành, kinh nghiệm thị trường… cũng là chuyện đáng bàn. Trở lại câu chuyện làm ăn của DN T., nêu trên, sau khi vay được vốn NH, DN này đã mạnh tay đầu tư mua sắm nhiều thiết bị, nhập khẩu thêm một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài với tham vọng chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thiếu những thông tin cần thiết, sản phẩm DN sản xuất và nhập khẩu không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên phải “bán tháo, bán đổ” với giá thấp, thua lỗ là điều không tránh khỏi. Thu không bù nổi chi lại còn phải trả nợ vay NH với lãi suất cao ngất ngưỡng khiến DN càng thêm khó khăn hơn.

Trong giới DN vẫn còn kể lại câu chuyện của một giám đốc công ty TNHH nọ đóng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, mới tham gia vào thị trường chưa được 2 năm đã phải bán cả gia sản để trả nợ cho NH và đối tác, lặng lẽ rút lui khỏi thị trường. Chuyện là, tuy mới chỉ có chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi nhưng vị giám đốc này đã vội vàng làm thủ tục mở công ty theo lời “tư vấn” của bạn bè là để có con dấu, hóa đơn mới có thể làm ăn lớn được!. Do năng lực điều hành, quản trị của chủ sở hữu hạn chế, đặc biệt là không nắm bắt đầy đủ các thông tin về thị trường cũng như những quy định của pháp luật có liên quan nên làm đâu lỗ đó. Khi thì mua phải hàng hóa kém chất lượng, bán không được; lúc khác lại thiếu những thủ tục pháp lý cần thiết nên bị cơ quan chức năng xử lý. Chỉ sau vài lần “vấp” như thế, công ty này đã “ngã” hẳn.

Tình trạng quản trị điều hành kém còn thể hiện khá rõ ở một số DN nhà nước của tỉnh. Mặc dù đã được sắp xếp, chuyển đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, còn nhiều yếu kém về năng lực tài chính, quản trị; công tác quản lý và sử dụng đất đai chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều DN lâm nghiệp không có nguồn thu để trang trải cho các nhu cầu tối thiểu là trả lương và chi phí hoạt động; một số DN nông nghiệp nhiều năm thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu, lâm vào tình trạng không còn khả năng hoạt động.

Trong thời gian gần đây, tình trạng nợ xấu NH ngày một tăng và đang tiếp tục có xu hướng tăng mạnh hơn. Nếu như cuối năm 2011, nợ xấu chỉ vào khoảng gần 2,2%/tổng dư nợ (gần 690 tỷ đồng) thì đến tháng 4-2012,

con số này đã “nhảy” lên 2,9% (tương đương 906 tỷ đồng). Đại diện nhiều NH cho biết, trong quá trình thẩm định việc vay vốn của DN cho thấy, DN hiện còn quá nhiều tồn tại, yếu kém. Đáng kể nhất là tình trạng bị nợ xấu, DN không thể vay thêm được nữa hoặc không có phương án kinh doanh hiệu quả nên không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. “NH cũng là một DN nên không thể không cân đối lãi-lỗ. Vì thế, NH không thể mạo hiểm cho DN vay vốn một khi đã nhìn thấy nguy cơ mất vốn”, đại diện lãnh đạo một số NH tâm sự.

Vậy là cứu cánh quan trọng - vốn, vừa thiếu, vừa khó tiếp cận cộng với năng lực quản trị còn hạn chế, dẫn đến tình trạng DN hoạt động kinh doanh mang tính thụ động, không ứng phó kịp thời trước những thay đổi về môi trường kinh doanh. Cùng với đó, công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp, không định hướng rõ được chiến lược kinh doanh nhưng lại đầu tư dàn trải, đa ngành nghề nên DN dễ gặp rủi ro trong điều kiện thị trường biến động.

Từ ngày 1 đến 20-4-2012, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Tại thời điểm VCCI thực hiện khảo sát, có khoảng 50% được khảo sát cho biết đang vay vốn với mức lãi suất trên 18%/năm, trong khi mức lãi suất vay mà đa số họ (khoảng 75% số DN)  có thể chịu đựng được là 15%/năm và mức lãi suất vay mà họ cho là hợp lý là khoảng 13%/năm -14%/năm.

(còn nữa)

Lê Ngọc - Đàm Thuần

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.