Sản xuất nông sản sạch: Từ cà phê đến rau, củ, quả
Sản xuất nông nghiệp sạch nhằm nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp và nông dân Dak Lak. Tuy nhiên, đường đi của nông sản sạch vẫn còn lắm chông gai vì đầu ra chưa ổn định, thị trường chưa được quản lý chặt chẽ khiến tâm lý người sản xuất giao động.
Lợi ích từ sản xuất cà phê sạch
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9. |
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp Dak Lak phát triển khá nhanh và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, nông dân đã ứng dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch như: sản xuất cà phê, ca cao có chứng nhận, trồng rau theo VietGAP…, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đơn cử như việc canh tác cà phê bền vững có chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ đang mang lại giá trị gia tăng lớn cho người sản xuất. Mỗi ha cà phê có chứng nhận có giá bán cao hơn khoảng 500 nghìn đồng/tấn so với cà phê sản xuất thông thường, chi phí cũng giảm đáng kể (từ 15% - 20%). Hiện toàn bộ diện tích cà phê sạch tập trung nhiều nhất ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê như: Công ty cà phê Ea Pốk, Buôn Hồ, Thắng Lợi, Phước An, Tháng 10, 2-9... Các DN này đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo một quy trình khép kín từ chăm sóc, thu hoạch đến chế biến; đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu và tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm. Một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng vùng sản xuất cà phê sạch, an toàn có chứng nhận UTZ là Công ty Cà phê Thắng Lợi, với 1.800 ha được áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận và được chế biến theo quy trình công nghệ chế biến ướt. Nhờ phương thức sản xuất tiên tiến, sản phẩm cà phê của công ty luôn có chất lượng tốt hơn và có giá trị cao hơn. Hiện nay, phần lớn sản phẩm cà phê nhân của Công ty Cà phê Thắng Lợi đã được hãng Mitsubishi (Nhật Bản) bao tiêu, với giá cao hơn giá xuất khẩu trên thị trường từ 150 - 200 USD/tấn. Hay như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch, có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh theo hình thức liên kết với các hộ trồng cà phê. Theo các hộ tham gia, so với cách sản xuất cà phê thông thường thì mỗi ha cà phê chứng nhận có năng suất cao hơn khoảng 15% -20%, chi phí sản xuất cũng giảm tương ứng, giá bán được cộng thêm gần 100 USD/tấn…
Sơ chế và bảo quản rau an toàn tại HTX Thuận Hòa. |
Ngoài sản phẩm cà phê, các nông sản khác như ca cao, rau, củ, quả cũng đang từng bước áp dụng quy trình sản xuất sạch có chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
Cần xây dựng thương hiệu uy tín cho rau an toàn
Mặc dù nhận thấy ưu thế rõ rệt giữa sản xuất nông sản sạch và sản xuất nông sản theo kiểu truyền thống, nhưng không phải ai cũng mặn mà với xu hướng sản xuất này, nhất là các hộ nông dân sản xuất rau, củ, quả. Thực tế hiện nay các hộ nông dân cũng như cơ sở sản xuất rau theo hướng VietGAP lại đang có tâm lý giao động muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống, bởi sản phẩm VietGAP đầu ra quá bấp bênh.
Có một nghịch lý là khi áp dụng sản xuất theo chương trình VietGAP, người nông dân phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình chăm sóc, thu hoạch…, nhưng lại không được lợi gì khi sản phẩm bán ra giá cả cũng chỉ bằng sản phẩm được sản xuất theo kiểu thông thường. Anh Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn (HTX Thuận Hòa, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: mặc dù HTX đã vượt qua nhiều rào cản để xây dựng được vùng rau an toàn theo hướng VietGAP nhưng vẫn chưa thể thành công vì vướng thị trường tiêu thụ. Hiện chỉ có một số lượng nhỏ rau an toàn của HTX được đưa vào siêu thị, còn lại phải bán cho các lái buôn như giá rau bình thường, vì phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc dùng rau an toàn trong các bữa ăn. Việc người tiêu dùng chưa mặn mà với rau an toàn cũng có nguyên nhân của nó, đó là việc quản lý trồng, chăm sóc và chất lượng rau an toàn có nơi còn buông lỏng, không kiểm soát được chất lượng. Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc sở NN-PTNT: sản xuất nông sản sạch là hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp và các loại nông sản của Dak Lak đang bắt đầu bước vào lộ trình đó. Tuy nhiên, mới chỉ có cây cà phê là được các DN đầu tư khá bài bản và có đầu ra ổn định, còn các loại nông sản khác chỉ mới ở dạng mô hình. Đối với sản phẩm rau, củ, quả, các HTX, DN sản xuất đã xây dựng được vùng rau an toàn nhưng việc tạo dựng thương hiệu, xây dựng quy trình sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn thể hiện qua hệ thống mã vạch cho từng loại sản phẩm vẫn chưa được thực hiện; thêm vào đó khâu phân phối, cung ứng, quảng bá, thông tin sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn, chất lượng vẫn còn kém... Đó chính là rào cản khiến các HTX, DN sản xuất và tiêu thụ rau an toàn khó tiếp cận thị trường.
Để vượt qua những rào cản trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu cho các HTX, DN sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch; đồng thời hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, trang thiết bị nhằm giúp các HTX chủ động xây dựng thương hiệu và sản xuất các sản phẩm nông sản sạch có lợi thế của địa phương.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc