Multimedia Đọc Báo in

Tạo lập trang trại lúa nước đạt hiệu quả cao

08:39, 31/07/2012

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lúa Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông Giang Văn Hơn lên đường nhập ngũ tháng 12-1972 ở lữ đoàn 52, sư 320A, Quân đoàn 3, rồi vào chiến trường B1, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tháng 3-1976, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng CSVN, tới 12-1978 xuất ngũ với cấp bậc trung sĩ, tiểu đội trưởng, trợ lý hậu cần trung đoàn. Ngày về mang tỉ lệ thương tật 26% là thương binh bậc 4/4, ông tiếp tục công tác tại Công ty Thương nghiệp huyện M’Drak. Từ tháng 7-1985 tới 7-1987 là Giám đốc xí nghiệp gạch ngói huyện M’Drak, khi xí nghiệp gạch ngói huyện giải thể, ông nghỉ chế độ về nhà phát triển kinh tế gia đình.

Ông Giang Văn Hơn đang kiểm tra chất lượng giống lúa nếp đã đến ngày thu hoạch.
Ông Giang Văn Hơn đang kiểm tra chất lượng giống lúa nếp đã đến ngày thu hoạch.

Gia đình ông sinh sống ở thôn Hồ, xã Cư M’ta, xung quanh chủ yếu là các vùng trũng ngập nước ven hồ Krông Jing, những nơi có bãi bồi thì cỏ mọc cao quá đầu người, nhiều người dân quanh vùng ái ngại cho cảnh khó khăn mà ông phải đối diện. Không những thế, khi ông chuyển hơn 10 thành viên gia đình từ ngoài quê vào vùng đất mới lập nghiệp này, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thế nhưng ông không hề nản chí, với suy nghĩ “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, ông quyết định khai hoang và bồi lấp những vùng trũng để có đất canh tác. Thời gian đầu, ông dọn sạch những vùng đất trũng hoang vu um tùm lau sậy, và cho be bờ phía đối diện với vùng đất trũng ấy. Cứ như thế, khi phù sa bồi đắp gặp phải bờ be liền trôi về phía vùng trũng mà ông đã dọn sạch cỏ. Cứ vậy đều đặn mỗi năm đất bồi lên 1 tấc rồi ông cũng có những mảnh đất giàu phù sa để canh tác. Không chỉ bồi đắp những vùng đất trũng, ông cũng rất chú trọng vào việc khai hoang, thời gian đầu chưa có máy móc, chỉ có sức người và sức kéo của trâu, bò nhưng ông không hề nản chí. Có được một vùng đất màu mỡ phù sa ông Hơn tính tới chuyện tìm kiếm giống lúa cho phù hợp với thổ nhưỡng. Thời gian đầu, giống lúa còn rất ít, năng suất và chất lượng chưa cao nên ông thường xuyên thử nghiệm những giống lúa khác nhau ngay trên ruộng đất của mình. Ruộng lúa ông chia đều ra thành các thửa, ngoại trừ các thửa chính ông trồng những giống lúa quen thuộc, ông chia riêng các thửa để thử nghiệm những giống lúa mà ông đi tìm kiếm ở khắp nơi.

Ông xuống Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), vùng đất có thổ nhưỡng khá giống với thôn Hồ, hoặc có điều kiện ông xuống thăm bạn bè ở vùng Tây Nam Bộ. Đặc biệt, mỗi lần có dịp về quê, ông cũng tranh thủ sang Hải Hậu (Nam Định) tìm giống của công ty cấp một trung ương. Cuối cùng ông đã thành công với giống Tám Thơm. Ông còn thường xuyên tìm tòi, học hỏi những phương pháp canh tác lúa sao cho phù hợp với vùng đất mình sinh sống. Với năng suất bình quân vào khoảng 7 tạ/sào/vụ hằng năm trang trại lúa 2,5 ha của ông thu về từ 32 - 34 tấn lúa Tám Thơm. Thấy ông làm có kết quả, một số người dân trong vùng cũng học hỏi và bắt đầu phát triển cây lúa trên vùng đất này. Ông tận tình chỉ bảo cho mọi người và lựa chọn những giống tốt nhất mà ruộng nhà mình đã thử nghiệm để bán lại cho người dân quanh vùng để họ trồng và phát huy hết thế mạnh của những giống lúa tốt.

Hiện nay, toàn kinh tế trang trại của ông chủ yếu là cấy lúa nước và chăn nuôi, ngoài trang trại lúa nước ông còn chăn nuôi bò, gia cầm và tận dụng nguồn nước tự nhiên ở hồ để chăn thả gia cầm, nuôi cá giống. Hằng năm, sau khi trừ đi tất cả chi phí, cũng như sinh hoạt trong gia đình, ông lãi được hơn 170 triệu đồng. Với những thành tích đạt được trên mặt trận xây dựng kinh tế, đầu tháng 7-2012 vừa qua, ông vinh dự được tham gia Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 diễn ra tại Đà Nẵng. Ông tâm sự, khi về hưu, ông phải quyết tâm để phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ và thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn mà không phế”.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.