Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ cần cù và tiết kiệm

08:27, 02/07/2012

Nhờ cần cù, chịu khó nhiều người nghèo đã thoát nghèo bền vững cùng với sự hỗ trợ, khích lệ của cộng đồng.

Anh Y Luynh Buôn Đáp trước ngôi nhà 134 đang được xây nới gian bếp.
Anh Y Luynh Buôn Đáp trước ngôi nhà 134 đang được xây nới gian bếp.

 Trước đây, gia đình anh Y Luynh Buôn Đáp, buôn Cư Nao, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) cũng như các hộ trong buôn Cư Nao, được Nhà nước tặng nhà theo Chương trình 134 và được hỗ trợ 200m2 đất ở. Có nhà ở ổn định nhưng lại không có đất làm ruộng rẫy, anh Y Luynh Buôn Đáp tranh thủ đi phụ thợ xây. Nơi nào gọi việc gì anh cũng làm, xa đến mấy anh cũng đi, làm trong thời gian bao lâu ngày anh cũng nhận. Nhờ cần cù, chịu khó làm việc nên các chủ công trình thường xuyên gọi anh đi làm, hướng dẫn thêm về kỹ năng nghề nghiệp cho anh. Nhờ vậy, từ chỗ làm phụ hồ, anh đã tự học hỏi và trở thành thợ xây thực thụ, mức lương cũng nhờ đó mà tăng lên, từ mức lương 80.000 đồng/ngày tăng lên 120.000 đồng/ngày. Có tiền, anh không mua sắm các vật dụng đắt tiền mà tiết kiệm để mua vật liệu, xây nới thêm nhà ở cho rộng rãi thoáng mát. Hai vợ chồng lại tự tay xây nhà cho mình, nhờ vậy đã tiết kiệm một khoản tiền khá lớn vì không phải chi cho công thợ và phụ thợ xây nhà. Cứ thế, hằng ngày hai vợ chồng vẫn cần mẫn làm việc vừa tiết kiệm chi tiêu nên kinh tế gia đình dần ổn định, không còn thuộc diện hộ nghèo như trước nữa.

Ở buôn Cư Nao còn có gia đình chị H’Mrăng vừa ghi tên đăng ký thoát nghèo vào cuối năm 2012 này. Để cuộc sống bớt khó khăn, hai vợ chồng chị H’Mrăng vừa làm ruộng rẫy nhà mình vừa tranh thủ đi làm thuê. Anh chị thuê máy cày tay của các hộ trong vùng rồi đi cày thuê lại cho các hộ khác. Vợ chồng chị nổi tiếng trong vùng do làm việc cẩn thận lại thật thà và chăm chỉ nên quanh năm, trời mưa cũng như nắng, ngày nào cũng có người thuê anh chị đi làm. Chịu khó làm lụng, mỗi ngày trừ chi phí, anh chị cũng để dành ra được 80.000 đồng. Tích cóp được chút tiền, anh chị đầu tư xây dựng sân phơi nông sản để chất lượng sản phẩm thu về đạt hiệu quả hơn bởi trước đây phơi lúa, phơi đậu trên bạt và phơi cà phê  trên sân đất thường chậm khô và thất thoát nhiều. Anh chị còn dự định sẽ dành dụm xây nới cho nhà cao hơn và xây chuồng heo, gà phát triển chăn nuôi.

Không chỉ cân nhắc để đầu tư đúng cách, nhiều người còn biết tận dụng mọi nguồn nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Anh Trần Văn  Bằng ở thôn 5, xã Ea Lê (Ea Súp) chuẩn bị mua gạch xây chuồng heo thì bên cạnh nhà có một trường học được đập đi để xây mới.  Trong đống xà bần có rất nhiều thứ vẫn còn sử dụng được, nhất là gạch 6 lỗ còn nguyên viên.

Anh Bằng đã chịu khó dùng xà beng nạy từng tảng tường đổ, dùng bay gạt bỏ số hồ còn dính trên viên gạch, cứ thế chỉ trong một buổi sáng anh đã nhặt được 200 viên gạch còn nguyên vẹn, dự tính nếu tìm hết trong đống đổ nát này thì tổng số gạch tìm được sẽ là  500 viên. Đây là số gạch gia đình đang cần có để xây chuồng heo. Ngoài ra, đống xà bần cũng được anh chở về để lót làm nền. Anh Bằng tính toán: Theo giá mua vật liệu xây dựng tại địa phương mỗi viên gạch xây 6 lỗ có giá là 1.000 đồng  kể cả tiền vận chuyển. Tận dụng được số gạch cũ trên, anh tiết kiệm được một khoản chi phí khoảng 1 triệu đồng. Đây là số tiền rất có ý nghĩa với người nghèo ở vùng khó khăn như Ea Lê.

Trên thực tế có rất nhiều cách để thoát nghèo, song sự chăm chỉ,  chịu khó và biết chi tiêu hợp lý của những hộ nói trên đã giúp cho con đường thoát nghèo của họ trở nên ngắn hơn và bền vững, rất đáng học tập.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.