Multimedia Đọc Báo in

Những triệu phú người Mông trên quê hương mới

08:07, 18/09/2012
Trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật... song nhiều hộ đồng bào Mông di cư đã chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát đói nghèo, có cuộc sống ổn định, ấm no. Nhờ vậy, đến nay nhiều hộ đồng bào Mông ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm (huyện Krông Bông) đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Krông Bông hiện có 2.045 hộ người Mông, trong đó có trên 10% hộ có thu nhập khá từ 30 triệu đồng/năm trở lên.

Năm 1998, gia đình ông Vàng Seo Lùng di cư từ quê Yên Sơn (Tuyên Quang) đến thôn Ea Lang (xã Cư Pui) với hai bàn tay trắng. Sau khi trả tiền xe, trong túi chỉ còn vẻn vẹn 200 nghìn đồng, vợ chồng ông phải chặt cây làm tạm một gian nhà để tá túc. Hằng ngày, vợ chồng đi phát rẫy, làm thuê lấy tiền mua gạo nuôi 6 đứa con và tích cóp tiền mua đất để sản xuất. Sau khi mua được 5 sào đất, vợ chồng ông bắt tay vào trồng đậu, trồng ngô và chăn nuôi. Ông Lùng đi đến khắp các xã trong huyện mua những con trâu, bò gầy ốm về chăm sóc, vỗ béo sau đó bán lại; thức ăn chăn nuôi là đầu cá, đậu hư, sắn, ngô. Tiền lời từ chăn nuôi, gia đình lại đầu tư mua thêm đất để sản xuất. Cứ như vậy, đến nay gia đình ông Lùng đã có gần 5 ha đất sản xuất, trong chuồng lúc nào cũng có gần 20 con trâu, bò, vài chục con heo. Thu nhập hằng năm hơn 200 triệu đồng.

Cũng nhờ sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Dương Văn Páo ở thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm) sau 15 năm lập nghiệp trên quê hương mới giờ đã có hơn 2 ha cà phê kinh doanh, 5 sào ruộng nước và hơn 2 ha đất trồng ngô, đậu, sắn với thu nhập hằng năm gần 200 triệu đồng. Trước đây, gia đình ông Páo ở Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), trồng trọt trên những mảnh vườn toàn đá không đủ để nuôi hai vợ chồng và 10 đứa con, hằng năm gia đình thiếu ăn 3-4 tháng. Di cư vào thôn Yang Hăn, vợ chồng ông chăm chỉ khai hoang, vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay cuộc sống gia đình ông đã ổn  định, 5 đứa con lớn của ông Páo đã có gia đình đều làm được nhà gỗ, mua được xe máy, đồ dùng trong sinh hoạt; mua được xe công nông, máy cày phục vụ sản xuất.

Dù mới vào lập nghiệp tại buôn Tơng Rang B (xã Cư Drăm) năm 2000 nhưng đến nay gia đình ông Vàng Seo Tạ cũng đã có được hơn 1 ha cà phê năm thứ năm, gần 4 sào lúa nước, 5 sào đất màu. Vừa qua gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng để trồng gần 200 trụ hồ tiêu và mở thêm dịch vụ xay xát và chăn nuôi. Hiện tại trong chuồng của gia đình có 4 con trâu và gần chục con heo. Ông Vàng Seo Tạ cho biết: “Mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng từ cà phê, lúa và chăn nuôi. Chúng tôi đã làm được nhà gỗ lợp ngói, mua được xe máy, tủ tường, ti vi, máy khâu và các vận dụng trong gia đình. Trong thời gian tới, gia đình tôi dự định tiếp tục đầu tư chăm sóc và trồng mới thêm vài trăm trụ hồ tiêu nữa”...

Ông Hoàng Văn Pao, Trưởng thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm) cho biết: “Thôn Yang Hăn có 63 hộ người Mông, trong đó trên 20 hộ có thu nhập hằng năm từ 30 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ gia đình có 3- 4 ha đất sản xuất, có hộ mở thêm dịch vụ xay xát, chăn nuôi, thu mua nông sản, đại lý phân bón… mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Họ đã làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt; mua sắm được xe công nông, máy móc phục vụ sản xuất. Cả thôn chỉ còn 2 hộ có nhà tạm, 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia, trên 80% hộ dùng nước sạch tự chảy. Đồng bào đã an tâm định cư lâu dài và đang chung sức cùng nhau xây dựng nông thôn mới”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.