Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

06:28, 07/12/2012

Hiện nay các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê trong nước nói chung, Dak Lak nói riêng đang gặp khó khăn trước sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để giúp các DN vượt qua, ngành cà phê Việt Nam cần sớm đưa ra những chính sách hữu hiệu, dựng lại “hàng rào kỹ thuật" thắt chặt quản lý nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cà phê xuất khẩu trong nước.

Lợi nhuận cà phê xuất khẩu chưa cao

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2012 của Tổng cục thống kê Việt Nam cho thấy: trong số 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam thì số doanh nghiệp vốn FDI chiếm một nửa. Cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, nhưng tính đồng thuận của các DN trong nước chưa cao, dẫn đến sự cạnh tranh mua - bán thiếu công bằng, có thời điểm việc định giá thu mua cà phê trong nước cao hơn giá xuất khẩu từ 0,2- 0,4%. Hậu quả là hàng loạt DN, nhà thu mua cà phê trong nước phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp có vốn FDI. Về phần người trồng cà phê, do chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công…) tăng cao, nên hiệu quả đem lại từ cà phê khá thấp. Điều này cho thấy: dù là nước xuất khẩu cà phê cao, nhưng cả DN lẫn người trồng cà phê trong nước vẫn chưa được hưởng lợi nhuận tương thích. Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2- 9 Dak Lak (Simexco Dak Lak) cho biết: hiện nay các DN ngành cà phê trong nước nói chung, DN Dak Lak nói riêng chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân qua các đơn vị rang xay (là khâu trung gian), còn việc xuất khẩu trực tiếp đến thị trường cho người tiêu dùng rất ít, nên lợi nhuận thu về chưa cao (kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên 3 tỷ USD/năm). Trong khi đó, hằng năm cứ vào đầu mỗi niên vụ, các DN ngoại tỉnh, doanh nghiệp có vốn FDI vào thị trường Dak Lak mua cà phê với giá sàn, nhưng khi đưa đến tỉnh thành khác lại bán ra với giá thấp hơn các DN trong tỉnh từ 500 - 1.000 đồng/kg nhân. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trong Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê Dak Lak 2011 - 2012 vừa qua, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak cho rằng: Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh đã khiến không chỉ DN Dak Lak gặp khó, mà ngay cả ngành thuế tỉnh cũng thiệt thòi trong thu thuế. Bởi vì mỗi năm tỉnh phải trích ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư, hỗ trợ khắc phục hạn hán, mất mùa, giá điện cao v.v…  cho người nông dân và ngành cà phê tỉnh.

Cần thắt chặt quản lý về mặt pháp luật việc thu mua cà phê của các đại lý, doanh nghiệp trong tỉnh. (Ảnh minh họa).
Cần thắt chặt quản lý về mặt pháp luật việc thu mua cà phê của các đại lý, doanh nghiệp trong tỉnh. (Ảnh minh họa).

Cần thắt chặt quản lý và dựng “hàng rào kỹ thuật” hiệu quả

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, đã đến lúc ngành cà phê trong nước cần phải có chiến lược dài lâu để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các DN nước ngoài, để buộc họ khi tham gia kinh doanh cà phê tại thị trường Việt Nam phải đem lại lợi ích cho nước sở tại, chứ không phải chỉ “khai thác” một phía như hiện nay. “Tôi nghĩ vấn đề này phải nhất quán và có chính sách cụ thể, bởi nếu cứ tiếp tục như tình trạng trên, khi các DN nước ngoài kiểm soát từ nguồn cung (người trồng cà phê trong nước) đến đầu ra cuối cùng (xuất khẩu) thì lúc đó, dù chúng ta có đưa ra chiến lược mới đi chăng nữa, thì cũng đã muộn rồi” - ông Vũ nói. Chính vì lẽ đó, để cho ra đời những sản phẩm cà phê giá trị cao phải chú trọng đến các công thức sản xuất, chế biến để nâng cao số lượng, chất lượng, giảm chi phí đầu tư. Tức là công thức này phải định chuẩn lại một tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu không đạt chuẩn thì tuyệt đối không cho DN nước ngoài nào có thể xuất khẩu cà phê ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu cà phê trong nước (về hành chính, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này). Nếu người nông dân đầu tư cam kết làm đúng chất lượng thì phải khuyến khích họ về vấn đề tài chính, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trợ giá thu mua cao. Kế đến là ngành cà phê phải đề ra những quy định cụ thể về công thức chế biến, chất lượng cà phê đạt chuẩn rồi mới xuất khẩu, chứ không thể xuất thô mãi; hoặc trước mắt có thể chế biến, gia công cho các tập đoàn của khâu phân phối cuối cùng như Walmart, Costco (Mỹ), những nhà làm thương hiệu có thể “đóng gói” lại… (với  những chính sách hỗ trợ những DN đã có thương hiệu mạnh trong nước vươn ra thế giới), sau đó thay đổi dần sang sản phẩm chế biến tinh để xuất khẩu. Về phía chính quyền địa phương, ông Đinh Văn Khiết khẳng định thêm: sắp tới Dak Lak sẽ yêu cầu các ban, ngành hữu quan tỉnh thắt chặt quản lý và việc vận chuyển ra ngoại tỉnh, nhằm dần lấy lại vị thế và khẳng định thương hiệu trên thị trường cho cà phê Dak Lak.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.