Thêm ước mơ cho vựa lúa huyện Lak
Nhìn những cánh đồng lúa bạt ngàn, nối từ Dak Liêng qua Buôn Tría vào đến Buôn Triết, tôi có cảm giác mình đang đứng ở đâu đó trên miền đất đồng bằng Nam Bộ. Quả thật đây là vựa lúa lớn nhất nhì của tỉnh và cây lúa thật sự có vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của huyện Lak. Bởi vậy, xung quanh câu chuyện về hạt lúa được người nông dân cũng như nhà khoa học và quản lý quan tâm hàng đầu.
Hợp sức để phát triển
Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lak-Nguyễn Văn Chiến chắc chắn một điều: người nông dân làm lúa ở đây đến nay đã cơ giới hóa công việc hơn 80%, trong đó riêng khâu làm đất hoàn toàn bằng máy. Nhờ vậy mà có nhiều hộ gia đình sở hữu ruộng lúa lên tới 20-30 ha. Những hộ khác, từ 5-7 sào đến vài ha cũng đã hợp sức với nhau dồn điền, đổi thửa để làm ăn chung nhằm tiện lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất lúa. Điều đó cho thấy cây lúa huyện Lak đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương. Người làm lúa không chỉ để ăn, mà chủ yếu để bán và từng bước làm giàu trên mảnh đất của mình.
Nông dân huyện Lak từng bước đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. |
Tôi vào Buôn Triết gặp “vua lúa” Nguyễn Văn Mười và đã được chứng thực điều đó. Ông Mười có hơn 20 ha lúa - và để tổ chức canh tác trên diện tích khá lớn như vậy, mọi công đoạn sản xuất của gia đình ông được cơ giới hóa 100%, từ khâu làm đất, bón phân, làm cỏ, phun thuốc…cho đến thu hoạch, tiêu thụ. Lão nông này cho rằng: làm lúa bây giờ chắc ăn và bền vững hơn, bởi thị trường ổn định, dịch vụ phát triển và đặc biệt là không cần nhân công nhiều vì nhờ máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ tối đa. Trong câu chuyện làm lúa của ông, tôi hình dung ra việc sản xuất ở vựa lúa nổi tiếng Buôn Tría, Buôn Triết này đã thuần thục, hoàn thiện đến mức lý tưởng. Chỉ cần có nhu cầu (bất kỳ thứ gì liên quan đến cây lúa) đều được đáp ứng. Ông Mười bảo: cha ông mình dặn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là điều kiện không thể thiếu và nhiều khi còn là ước mơ của người nông dân bao đời nay. Ước mơ ấy giờ đây đã hiện ra gần gũi, sinh động trong đời sống của cư dân làm lúa huyện Lak.
Về nước tưới, theo cách tính của ông Mười thì: không ai phải lo lắng nữa bởi đã có, hàng chục công trình thủy lợi như hồ Buôn Tría, Buôn Triết, Lạch Dương, Khe Môn, Buôn Dông… được Nhà nước đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua nhằm phục vụ cho gần 3000 ha lúa trong vùng, dân làm lúa ở đây không phải tranh giành nguồn nước tưới như những nơi khác mỗi khi mùa vụ đến, mà cứ đến các Hợp tác xã (HTX) điều tiết nước “ký hợp đồng” là xong. Người của HTX sẽ sắp xếp lịch cung cấp nước tưới cho các hộ có nhu cầu. Đến cuối vụ thanh toán bằng lúa, hoặc tiền mặt tùy theo thỏa thuận. Cách làm này, theo ông Nguyễn Sĩ Thắng - cán bộ phụ trách thủy lợi huyện Lak đánh giá là rất năng động, khoa học bởi không những tiết kiệm thời gian, công sức cho người nông dân, mà còn bảo đảm hiệu quả cũng như giá trị đầu tư lâu dài của công trình. Ông Thắng cho biết: hiện nay trên địa bàn Buôn Tría, Buôn Triết có ba HTX điều tiết nước do chính bà con làm lúa ở đây đứng ra thành lập và duy trì hoạt động. Các dịch vụ này tồn tại và ngày càng phát triển nhờ sự chia sẻ lợi ích kinh tế từ cây lúa mang lại, góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân địa phương. Hơn thế, từ lợi nhuận thu được HTX trích ra một phần để duy tu, bảo dưỡng hồ đập trên địa bàn một cách an toàn, giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể hàng năm cho công tác quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi.
Sẽ có thương hiệu lúa gạo Lak
Một số “vua lúa” khác ở đây như ông Lã Như Kỷ, Nguyễn Văn Hối, Đoàn Văn Ương…tâm tình thêm: tương tự như nước tưới, các dịch vụ cung ứng phân bón, vật tư, giống má phục vụ người trồng lúa cũng được chuyên nghiệp hóa và có sự cạnh tranh mạnh mẽ của hệ thống phân phối rộng khắp và cơ động từ trung tâm huyện đến các xã; người nông dân chỉ cần nhấc máy điện thoại là được đáp ứng. Tại ba xã trọng điểm lúa của huyện Lak (Buôn Tría, Buôn Triết, Dak Liêng) có ít nhất 12 dịch vụ này, sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân kiến thức gieo trồng, phát hiện và phòng trừ dịch bệnh xảy ra trên ruộng lúa. Nhiều khi những dịch vụ cung ứng phân bón, vật tư này còn kiêm nhiệm luôn cả việc của cán bộ khuyến nông, luôn đồng hành với người nông dân trong từng thời vụ. Nhờ vậy, nói như ông Trần Danh Hiệp-cán bộ kỹ thuật phòng NN-PTNT huyện Lak: chuyện cây lúa ở đây bị sâu bệnh phải nhờ huyện can thiệp, giúp đỡ… hình như rất ít. Ông Hiệp lý giải: thứ nhất là nhờ các dịch vụ nông nghiệp ở cơ sở chia sẻ; thứ hai là người làm lúa ở đây góp ruộng lại để sản xuất theo hình thức liên kết và cộng đồng trách nhiệm trước mọi tình huống; vì thế khi có sự cố xảy ra họ nhanh chóng giải quyết. Có thể nói yếu tố cộng đồng và mô hình HTX làm lúa ở ba xã trên đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ngày càng góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo cho vựa lúa trên cao nguyên này.
Bà Hoàng Thị Hảo-Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lak cho rằng: mô hình này sẽ được huyện tham khảo để nhân rộng ra nhiều địa phương khác để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất (khi Đề án phát triển và xây dựng thương hiệu lúa gạo Lak được thông qua và tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới). Hiện tại vựa lúa ba xã trọng điểm Buôn Tría, Buôn Triết, Dak Liêng được khảo sát và chọn làm mô hình điểm cho đề án. Theo đó, người nông dân ở đây đang hy vọng “giấc mơ thương hiệu lúa gạo” mang tên huyện Lak trở thành hiện thực...
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc