Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động - hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Cư Kuin

10:33, 28/12/2013

Cùng với nhiều chương trình, chính sách của Nhà nước, xuất khẩu lao động đã và đang trở thành hướng thoát nghèo, nhất là cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư Kuin…

Từ nay việc làm đất canh tác của vợ chồng chị H’Rắc Niê ở buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur đã bớt đi nhiều vất vả. Lý do là gia đình chị đã mua được máy cày tay trị giá 24 triệu đồng. Chị còn mừng nữa là nơi ăn chốn ở của gia đình đã khang trang, sạch sẽ hơn vì xây dựng được công trình  vệ sinh mới, riêng biệt. Chị H’Rắc bảo tất cả là nhờ vào số tiền mà vợ chồng con gái của chị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gửi về. Nhớ lại những ngày đầu mới nghe về việc đi tận nước ngoài làm ăn, chị tự nhủ cứ nghe cho biết chứ đời nào chị cho con đi. Thứ nhất là vì vợ chồng chúng còn quá trẻ, đứa con gái đầu lòng còn nhỏ; lại làm ăn nơi đất khách quê người, ăn uống, sinh hoạt, ngôn ngữ không biết, nếu xảy ra chuyện gì rồi lại ân hận. Cái lo nữa là chị xoay đâu ra số tiền hơn 20 triệu đồng chỉ để lo một suất cho con đi. Nhưng được cán bộ của Trung tâm Dạy nghề huyện tư vấn, chị bình tâm và suy nghĩ lại. Nhìn con suốt ngày đi làm thuê, chồng đi phụ hồ, cả nhà trông vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh, thiếu trước hụt sau, chị quyết định cho vợ chồng con gái đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Nghĩ đến khoản tiền vay mượn của người thân 20 triệu đồng cộng với số tiền vay của ngân hàng 44 triệu đồng, nhiều lúc chị cũng thấy mình liều vì đó là tài sản quá lớn với gia đình chị. Nhưng đến giờ thì chị đã thấy yên tâm hơn rất nhiều. Các con của chị hiện đã đi lao động ở Malaysia được đúng một năm và làm công nhân cho một công ty sản xuất về thiết bị y tế. Số tiền từ ngày con đi gửi về đã được khoảng 80 triệu đồng, vợ chồng chị trả nợ ngân hàng, mua sắm một số trang thiết bị thiết yếu và sửa chữa lại khu vệ sinh của gia đình. Chị H’Rắc khoe: “Tết này vợ chồng chúng bảo sẽ gửi khoảng 20 triệu đồng cho bố mẹ và con gái ăn Tết. Những Tết năm trước chẳng có đồng nào. Nghĩ vậy mừng cho vợ chồng chúng nhưng con gửi được đồng nào mình cũng cố gắng chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, giữ vốn để hết hợp đồng, 3 năm sau về chúng còn có vốn mà làm ăn”.

Cuộc sống gia đình chị H’Rắc Niê ở buôn Ea Kur, xã Ea Kur, huyện Cư Kuin đã khá giả hơn.
Cuộc sống gia đình chị H’Rắc Niê ở buôn Ea Kur, xã Ea Kur, huyện Cư Kuin đã khá giả hơn.

Gia đình ông Y Uê Niê cũng ở buôn Ea Ktur, năm nay mới trả bớt được nợ nần. Gia đình có người bị bệnh, phải đi vay để chạy chữa, thế là lãi mẹ đẻ lãi con mãi không trả hết nợ. Con gái của ông là H’Uắt, sinh năm 1992, ngày ngày bán bún ở chợ nhưng thu nhập cũng chẳng thấm tháp gì. Thấy gia cảnh như vậy sau nhiều ngày băn khoăn, do dự, cuối cùng, H’Uắt đã quyết định đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Đến giờ H’Uắt cũng đã gửi về cho gia đình được 70 triệu đồng để bố mẹ trang trải bớt nợ nần. Thương con phải đi làm ăn xa nhưng mỗi lần có dịp được nói chuyện với con qua điện thoại, ông Y Uê vẫn nhắc con giữ gìn sức khỏe, phải chịu khó làm ăn, không được làm gì vi phạm.

Ở buôn Ea Ktur này cũng có dễ gần 20 gia đình có con đi xuất khẩu lao động, chủ yếu sang Malaysia. Chị H’Sương Êban, cán bộ tuyển sinh và tư vấn việc làm của Trung tâm dạy nghề huyện chia sẻ: Qua tiếp xúc và trực tiếp tư vấn cho người lao động nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chị thấy băn khoăn, lo lắng nhất của họ khi tiếp cận với chương trình đi lao động xuất khẩu là thủ tục hồ sơ, khám tuyển và chi phí ban đầu. Nhưng khi có các chương trình khám tuyển tại chỗ, lại được ngân hàng cho vay vốn nên người lao động yên tâm hơn. Sau một thời gian sang làm ăn, từ thực tế của những người đi trước, những hộ gia đình nghèo đã quan tâm đến chương trình xuất khẩu để thoát nghèo. Theo ông Võ Đình Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy huyện Cư Kuin, đào tạo nghề cho đối tượng người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiếu số được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là những lĩnh vực phổ thông, đơn giản, gần gũi, thiết yếu và phù hợp với trình độ của người lao động, như: may công nghiệp, may dân dụng, chăn nuôi, trồng trọt và chăm sóc cây cà phê, dệt thổ cẩm, sửa chữa cơ khí. Năm 2011, Trung tâm đã đào tạo dạy nghề cho khoảng 200 lao động, năm 2012: 170 lao động và năm 2013: 205 lao động, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài làm việc trong nước, thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm cũng phối kết hợp với một số công ty xuất khẩu lao động để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường và giới thiệu người lao động của mình sang làm việc. Chương trình xuất khẩu lao động cho người đồng  bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh trên địa bàn huyện trong năm nay. Chính thông qua những lớp đào tạo, dạy nghề, người lao động được trang bị những kiến thức cơ bản để bảo đảm chất lượng, đáp ứng trình độ tay nghề của nhà sử dụng khi họ đi xuất khẩu lao động. Ông Hồ Phong Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương chi nhánh Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm trong việc đưa người lao động của huyện Cư Kuin đi nước ngoài làm việc cho biết: Được sự cho phép của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Dak Lak, Công ty phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện trong tuyển chọn và đào tạo, giới thiệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Malaysia. Người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có ưu điểm là có sức khỏe, thật thà. Sau xuất cảnh, Công ty chú ý đến việc đi rà soát lại gia đình của những người đi lao động xuất khẩu để có thể kịp thời liên hệ với chủ sử dụng lao động giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người lao động.

Tiếp tục triển khai chương trình này, mới đây, Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương mở lớp học ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho 120 học viên trong đó trên 90% là người dân tộc thiểu số, có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Là một trong những người quan tâm sát sao và dành nhiều tâm huyết trong chương trình, bà H’Bliăk Niê Phó chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho rằng: Công tác giảm nghèo ngoài nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước, việc tìm hiểu nắm bắt nhu cầu thị trường, vận động, tư vấn cho những lao động nghèo nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động cũng là hướng thoát nghèo và đã bước đạt có hiệu quả trên địa bàn huyện. Qua một năm triển khai, chương trình đã giúp nhiều gia đình nghèo cải thiện thu nhập, một số người còn có thu nhập cao, theo đó rất được nhân dân ủng hộ. Qua kiểm tra, rà soát hộ nghèo của huyện vừa qua, 2/3 hộ thoát nghèo chủ yếu nằm trong số những gia đình có người đi xuất khẩu lao động.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.