Lửa thử vàng...
Năm 2012, doanh nghiệp bước vào cuộc thử sức, thử tài và thử lực khốc liệt khi phải đối diện với bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Từ thực tiễn gian khó, doanh nghiệp tiếp tục được cọ xát để ngày càng vững vàng và trưởng thành; còn những chính sách vĩ mô được quan tâm điều chỉnh để không ngừng hoàn thiện...
Một năm đầy gian khó
Đúng như dự báo, năm 2012 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, chính phủ ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ,… đều thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp gia tăng. Điều này đã tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Có lẽ lường trước được điều này, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 chỉ vào khoảng 12-13%. Còn nhớ khi bàn về những chỉ số kinh tế, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang bế tắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Lãi suất cao đánh trúng “đầu vào” của doanh nghiệp; sức mua giảm, ách tắc ở khâu tiêu thụ, đánh trúng “đầu ra”.
Doanh nghiệp xây dựng một năm làm ăn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Lê Ngọc). |
Thực trạng chung nền kinh tế khó khăn đã dẫn đến một hệ lụy tất yếu là số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong năm tăng. Tại Dak Lak, năm 2012 cũng ghi nhận những vất vả của cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp của tỉnh còn đang hoạt động khoảng 5.396 doanh nghiệp, 752 chi nhánh và 187 văn phòng đại diện. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tỉnh giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp phải xoay xở, tìm hướng làm ăn mới để gỡ khó với con số hơn 1.000 lượt doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thay đổi nội dung. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh trong năm là 593 doanh nghiệp, tăng hơn hẳn so với các năm trước đây; 22 chi nhánh và 6 văn phòng đại diện có thông báo chấm dứt hoạt động.
Những khó khăn của doanh nghiệp liên tục được phản ánh trong các hội nghị gặp mặt cũng như các cuộc đối thoại của ngành thuế với doanh nghiệp, mà “nóng” lên là chuyện vốn, tiền thuê đất; trong đó thiếu vốn cho sản xuất là khó khăn lớn nhất. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn hạn chế nên nhu cầu vay để đầu tư cho sản xuất kinh doanh rất lớn trong khi tài sản thế chấp ít, lãi suất cao nên khó tiếp cận với nguồn vốn vay, khiến cho doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, việc đầu tư cho các dự án không hiệu quả. Thêm nữa, thực hiện Nghị định 121 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, trong đó quy định số tiền thuê đất tăng quá cao so với trước đây, gây khó khăn cho một số doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp “khóc dở mếu dở” với khoản nợ tiền thuê đất, xin trả lại đất đã thuê hoặc dừng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác thì những thăng trầm trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng giúp cho doanh nghiệp có thêm nhiều bài học quý trên thương trường như phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương bên lề một cuộc hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Dak Lak: Khó khăn chính là cơ hội để doanh nghiệp tự nhận ra thiếu sót của mình, “đi bơi phải mặc áo tắm”, tức phải có vốn của bản thân mình để có phần chủ động, không bị hoàn toàn lệ thuộc, có như vậy mới vững vàng trước sóng gió thương trường. Còn theo nhận định của Tiến sĩ Sailendra Narain, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Phát triển tài chính Ấn Độ trong Hội thảo “Quản trị tài chính và kinh doanh trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Dak Lak tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp thường nói nhiều về việc thiếu vốn nhưng doanh nghiệp nên có cái nhìn tổng quan về mối liên hệ giữa 3 yếu tố: quản lý tài chính; thị trường; cấu trúc và tái cấu trúc quản lý hoạt động. Tái cấu trúc quản lý doanh nghiệp còn quan trọng hơn tìm kiếm nguồn vốn, bởi đó mới là phương thức để doanh nghiệp chủ động bảo vệ mình.
“Chia lửa” với doanh nghiệp
Trong thử thách, các gói giải pháp đưa ra không chỉ là cách để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương “chia lửa” khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp mà còn thể hiện tâm thế và bản lĩnh trong hoạch định các chính sách vĩ mô để ứng phó. Nghị quyết 13 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã tác động tích cực đến doanh nghiệp. Chính phủ, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 6 tháng với các tờ khai thuế GTGT tháng 4, 5 và tháng 6 năm 2012; giảm 50% tiền thuê đất của năm đối với một số trường hợp; gia hạn nộp thuế TNDN cho đến việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và miễn thuế TNDN năm 2012 đã thực sự giúp các doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn trước mắt. Song song với các giải pháp, Bộ Tài chính, ngành Thuế cũng có nhiều cố gắng nhất định trong việc kiến nghị, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chính sách thuế phù hợp với thực tế hiện nay.
Nằm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2012, ngày 1-11-2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ký quyết định ban hành “Tuyên ngôn ngành thuế”. Đây thực sự là sự cam kết về trách nhiệm của ngành Thuế trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời thể hiện quyết tâm nhằm thực hiện công khai minh bạch, đổi mới trong công tác quản lý thuế và phục vụ người nộp thuế theo các mục tiêu của chiến lược đã đề ra. Tuyên ngôn ngành thuế hướng tới 4 giá trị, đó là: minh bạch – chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới.
Sau 5 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, ngoài mặt tích cực thì cũng phát sinh những điểm bất hợp lý cần sửa đổi. Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế gồm 3 nhóm vấn đề: đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách hiện đại hóa và hội nhập phù hợp với thông lệ quốc tế; vấn đề nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.
Đối với Dak Lak, tiếp tục chương trình hiện đại hóa, cải cách hành chính, ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngành Thuế tỉnh đã duy trì và mở rộng tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng Internet. Sự kiện này đã và đang được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ tin học đối với công tác quản lý thuế hiện nay. Tính đến hết tháng 11-2012, toàn tỉnh đã có 667 doanh nghiệp đăng ký kê khai qua mạng Internet với số tờ kê khai thuế đã nhận là 8.196 trường hợp. Về công tác hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế đã mời tất cả các doanh nghiệp trên toàn tỉnh tham gia tập huấn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ theo Nghị quyết 13 và các chính sách thuế mới khác. Với mong muốn tiếp thu những ý kiến và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, Cục Thuế tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Khó khăn, khủng hoảng chỉ là một tình huống trong xu thế phát triển. Lúc nào cũng có cơ hội trong thách thức. Cơ hội với doanh nghiệp là có dịp nhìn lại để khắc phục những điểm yếu; còn với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ có những đánh giá, điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc