Multimedia Đọc Báo in

Hạn hán kéo dài gây thiệt hại kép

16:53, 25/03/2013

Tình hình khô hạn gay gắt đang tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn tỉnh. Do đó, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng xấu đang ngày một lan rộng tại hầu khắp các địa phương, khiến người dân lao đao tìm đủ mọi cách chống hạn và sâu bệnh.


Người dân huyện Krông Bông khoan giếng tìm nguồn nước tưới ngay dưới lòng hồ khô kiệt.
Người dân huyện Krông Bông khoan giếng tìm nguồn nước tưới ngay dưới lòng hồ khô kiệt.

Cây trồng khô khát...

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, từ đầu mùa khô năm 2013 đến nay, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, ít mưa, lượng nước bề mặt bốc hơi lớn… đã gây ra tình trạng khô hạn tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Thiệt hại nặng nề nhất là tại các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Krông Pak, Krông Ana, Ea Kar và Buôn Hồ, với tổng diện tích cây trồng bị khô hạn là 22.423,6 ha, trong đó  trên 1.451 ha bị mất trắng. Hàng loạt hồ, đập, sông, suối nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng khô cạn, hoặc có mực nước xuống thấp gần mực nước chết, trong khi lượng nước ngầm đang ngày càng suy giảm mạnh, gây khó khăn trong công tác chống hạn của địa phương, kéo theo việc gieo trồng mới cũng bị đình trệ do không đủ nguồn nước tưới. Tại huyện Krông Pak, đến nay lượng nước ở các hồ chứa chỉ còn khoảng 35% so với mức trung bình. Trước đó, ngay từ đầu mùa khô, chính quyền địa phương đã chủ động huy động người dân tăng cường nạo vét kênh, mương, hồ chứa để trữ nước, tăng cường các biện pháp trồng cây che bóng, tưới nhỏ giọt..., nhưng cũng đành bất lực khi có 3.634 ha cây trồng các loại đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, diện tích mất trắng là 251 ha, chưa kể tại nhiều xã như Ea Kly, Hòa Đông, Công ty TNHH MTV 719… phần lớn diện tích đất trồng cây hằng năm không đủ nước để gieo trồng vụ mới. Ông Y Thi Niê, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pak cho hay: trước thực tế trên, ngành nông nghiệp huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân tiết kiệm nguồn nước, đẩy mạnh các biện pháp khắc phục phù hợp với từng địa bàn như đào thêm giếng, nạo vét kênh mương… Tại huyện Ea Kar có 51 hồ chứa, đến nay chỉ có 6 hồ còn nước, nhưng cũng chỉ đạt trên dưới 45% lượng nước trung bình, cá biệt như hồ Ea Kar chỉ còn 25% lượng nước trung bình. Thời điểm này, đi đến đâu cũng nghe nông dân bàn nhau tìm nguồn nước cứu cây trồng. Ông Trần Văn Lơi ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar than thở: chưa có năm nào hạn nặng như năm nay, ngoài lượng nước còn rất ít ở các hồ, đập chính thì hầu hết kênh, mương, suối trên địa bàn đã không còn giọt nước nào, nhiều rẫy cà phê vì thế nên bị cháy lá và rụng quả. Tình trạng khan hiếm nước đã khiến người dân phải đào, khoan giếng ngay dưới lòng hồ đã cạn nước hoặc khu vực trũng - việc mà xưa nay người dân chưa phải nghĩ đến… Ông Lơi cho biết thêm, để đào hoặc khoan một giếng nước, trước đây chỉ phải đầu tư 20-30 triệu đồng, nhưng nay, giá bị đẩy lên 30-50 triệu đồng. Dự báo thời gian tới, nếu không có mưa thì nông dân nhiều nơi sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng hàng nghìn ha lúa, hoa màu…


Mực nước tại một số hồ chứa nước tại huyện Krông Pak chỉ đủ cho vài hộ dân tưới cầm chừng cho cây trồng
Mực nước tại một số hồ chứa nước tại huyện Krông Pak chỉ đủ cho vài hộ dân tưới cầm chừng cho cây trồng.

Sâu bệnh hoành hành

Thời gian qua, thời tiết luôn diễn biến bất thường, ban ngày nắng nóng (có thời điểm 36-380C), đêm thì nhiệt độ xuống thấp (trung bình khoảng 13-150C), cùng với vài cơn mưa rải rác… đã tạo điều kiện để mầm sâu bệnh trên cây trồng phát triển ra diện rộng. Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, chỉ tính từ tháng 2-2013 đến nay, trên các trà lúa đông xuân xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: bọ trĩ (mật độ trung bình 300-500 con/m2, nơi cao từ 1.500- 5.000 con/m2, tại các vùng trọng điểm về lúa như Ea Súp, Ea Kar, M’Drak, Krông Bông); các bệnh vàng lá sinh lý, đốm nâu, tuyến trùng rễ, ngộ độc phèn ở mức khá cao, trung bình 10-20%. Đối với cây cà phê, bệnh rệp sáp hại cành, quả, sâu đục thân, rỉ sắt… cũng nhiễm với mật độ trung bình từ 5-15%. Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng khác như tiêu, điều, ca cao, mía, hoa màu… cũng không tránh khỏi sâu bệnh làm thối gốc, chảy nhựa; nhện đỏ trên cây ăn quả, rệp muội, khô vằn, sâu ăn lá... cũng đã xuất hiện. Tại huyện Krông Năng, nhiều diện tích cà phê đang phải đối mặt với nạn ve sầu, sâu đục cành, với mức biến động trên 50 con/gốc. Những ngày này, bà con trong huyện đang tăng cường phun thuốc, rắc vôi bột quanh gốc cà phê để phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn lây lan ra diện rộng. Riêng 650 ha lúa đông xuân năm nay, nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên của ngành nông nghiệp huyện nên tình trạng sâu bệnh đã cơ bản được khống chế. Các huyện Krông Ana, Krông Pak, Cư M’gar, Ea Súp thời điểm này, bà con cũng đang khẩn trương hoàn thành việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đợt 2 cho cây lúa, hoa màu... Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh, thì với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, bà con nên chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sâu bệnh, tăng cường chăm sóc cây trồng phù hợp để tăng sức đề kháng của cây; nếu phát hiện những biểu hiện bất thường trên cây trồng, cần báo ngay với chính quyền địa phương, Trạm BVTV địa bàn để có phương thức xử lý đồng bộ, hiệu quả.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc