Multimedia Đọc Báo in

Khi nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững

15:32, 15/03/2013

Bên cạnh những lợi ích như: được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cà phê;  được hỗ trợ về giống, phân bón; được thu mua sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường… thì cái lợi lớn nhất mà nhiều nông dân tham gia các dự án sản xuất cà phê bền vững thu được chính là dần hình thành tập quán sản xuất khoa học, tiên tiến gắn với năng suất và hiệu quả.


Khi tham gia các dự án sản xuất cà phê bền vững, người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng sản phẩm.                                                                  Ảnh: G.N
Khi tham gia các dự án sản xuất cà phê bền vững, người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng sản phẩm. Ảnh: G.N

Đổi thay từ sản xuất cà phê bền vững

Từ năm 2009, khi tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững của Công ty TNHH Dak Man Việt Nam với quy mô 1,3ha, gia đình ông Y Mui Adrơng và 20 hộ nông dân ở buôn Jù, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) bắt đầu làm quen với cách sản xuất hoàn toàn khác trước. Nhờ được tập huấn kỹ về kỹ thuật canh tác cà phê, Y Mui và nhiều hộ nông dân trong buôn dễ dàng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê, thay đổi hẳn những thói quen canh tác truyền thống không mấy hiệu quả. Không còn bón phân bừa bãi, tưới nước không tính liều lượng như trước, ông Y Mui được hướng dẫn cách mang mẫu đất đi xét nghiệm để xem chất đất như thế nào, cần bón loại phân gì và bón làm sao cho hợp lý; ông còn làm quen với cách ép xanh phân chuồng, đào rãnh để bón phân, cách đo lường lượng nước mỗi lần tưới. Không còn phun thuốc bảo vệ thực vật lung tung, Y Mui cũng bắt đầu tiếp cận với những khái niệm như “thiên địch”, tức là không phải con côn trùng nào cũng là loài có hại, có những loại côn trùng có chức năng tiêu diệt các loại sâu bệnh hại khác. Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, Y Mui và mọi người trong gia đình cũng phải luôn chú ý đến chuyện “sạch”, không còn đốt rác hay đổ rác ra vườn, vứt bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ra vườn mà phải đào hố để đựng rác; không sử dụng bao đựng phân để chứa cà phê; phơi cà phê trên sân xi măng sạch, cà phê khi đóng vào bao bảo quản phải sạch sẽ, loại bỏ hết tạp chất. Ông cũng chú trọng hơn đến việc trồng cây che bóng cho cà phê, cứ 4 hàng cà phê lại trồng một hàng cây keo vừa che bóng cà phê vừa tận dụng làm trụ sống trồng tiêu (niên vụ vừa qua, ngoài cà phê, gia đình Y Mui còn thu hoạch hơn 3 tạ tiêu). Việc bảo hộ an toàn lao động cũng trở thành chuyện quen thuộc với mọi người trong gia đình Y Mui như: mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc trừ sâu, làm nắp đậy cho giếng, kiểm tra an toàn để tránh điện giật khi kéo dây bơm nước… Không còn hái cà phê xanh, mỗi vụ thu hoạch, gia đình Y Mui đều tổ chức bảo vệ vườn, đợi đến khi vườn cà phê chín hơn 80% mới bắt đầu hái. Y Mui cho biết: “Hái cà phê xanh là đại lý của công ty không mua đâu. Trước mỗi vụ thu hoạch, công ty đều cử cán bộ đến kiểm tra, thấy vườn nào đạt độ chín trên 80% thì mới khuyên nông dân thu hoạch. Bù lại, đại lý của công ty thu mua sản phẩm của nông dân bao giờ cũng cao hơn giá thị trường, nhất là cà phê sạch, không lẫn tạp chất, bảo đảm độ chín thì không bao giờ bị trừ”. Sau khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, năng suất vườn cà phê của 21 hộ nông dân ở buôn Jù đều tăng hơn nhiều so với trước. Niên vụ trước, gia đình ông Y Mui đạt năng suất 4 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với trước đây; đặc biệt, có vài hộ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật như được hướng dẫn đã đạt đến 5 tấn/ha. Thu nhập từ cà phê mang lại không chỉ giúp các hộ có cuộc sống ổn định mà còn có vốn tích lũy, tiếp tục mở rộng sản xuất.

Cũng vào năm 2009, gia đình chị H’Wơt Ênuôl là một trong 142 hộ được Công ty Xuất nhập khẩu 2-9  chọn tham gia Liên minh sản xuất cà phê cà phê bền vững xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột), thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Dak Lak. Từ đây, những kiến thức về trồng trọt cà phê cũng như cuộc sống của gia đình chị đã có nhiều đổi thay. Những buổi tập huấn liên tục, định kỳ từ 2 đến 3 tháng một lần với sự giảng dạy của các kỹ sư nông nghiệp, cùng những đợt tập huấn tại chỗ đột xuất của những chuyên gia nước ngoài ngay tại vườn cà phê, đã giúp chị và gia đình hiểu rõ hơn về cách trồng và chăm sóc cây cà phê. Đầu tiên là xét nghiệm mẫu đất ngay tại khu vực trồng cà phê, sau đó là lựa chọn giống cà phê Robusta tại Viện Ea Kmát cho phù hợp với khu vực đất trồng. Cách bón phân phù hợp, tiết kiệm mà mang lại hiệu quả cao, như bón làm 4 đợt trong 1 năm, chủ yếu là loại phân NPK, rồi các công đoạn chăm sóc như cắt cành, tỉa cành, tưới nước… đều được gia đình chị H’Wơt thực hiện một cách bài bản và khoa học. Đều đặn hằng tháng, hằng tuần mỗi công đoạn chị đều ghi lại trong một cuốn nhật ký nông hộ nhằm theo dõi tiến trình phát triển của cây cà phê, từ đó nếu có vấn đề phát sinh đều được phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời. Đây cũng là cách để bảo đảm công tác đánh giá chứng nhận cà phê bền vững hằng năm. Gia đình chị H’Wơt còn được các chuyên gia cho những lời khuyên về bảo đảm sức khỏe khi chăm sóc cây cà phê như: mỗi lần phun thuốc bảo vệ thực vật, người phun phải mang đồ bảo hộ cẩn thận, sau hai tuần mới được vào thăm vườn, những chai lọ, thuốc phải được đóng bao và chôn cẩn thận… Ngoài ra, việc thu hái cà phê cũng được gia đình chị bảo đảm thu trái chín đỏ chiếm từ 80 – 90%... Với 2,5 ha cà phê, hiện gia đình chị H’Wơt đạt năng suất khoảng 2,5 tấn/ha, cao hơn so với trước đây. Giá thu mua cà phê cũng được công ty thu mua tăng thêm so với giá thị trường. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị được cải thiện rất nhiều.

Mô hình sản xuất cà phê bền vững tối đa hóa lợi ích của nông dân

Mới được thành lập đầu năm 2013 nhưng Hợp tác xã (HTX) Cà phê Nguyên Trường Thịnh hiện thu hút sự tham gia của 198 nông hộ trồng cà phê tại huyện Krông Pak. HTX ra đời trong khuôn khổ dự án  Nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê Robusta bền vững (EDE) do Tổ chức Douwe Egberts Foundation (DEF) tài trợ liên kết với Công ty rang xay Sara Lee, Tổ chức Rabobank Foundation và Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan, Bộ NN&PTNT Việt Nam. Mô hình HTX được xây dựng theo nguyên tắc từ thấp đến cao. Theo đó, ban đầu, nông dân tham gia các Tổ cà phê bền vững ngay tại nơi cư trú với diện tích tối thiểu của mỗi hộ là 3 sào. Tham gia Tổ cà phê bền vững, nông dân thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê như tỉa cành, bón phân, tưới nước…đúng kỹ thuật. Ngoài ra tổ viên còn phải tuân thủ chặt chẽ việc thu hoạch cà phê để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ sự đóng góp của các thành viên, các tổ còn tự xây dựng cho mình những “Quỹ hạt giống” nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Tiêu biểu như tổ Tân Lập 1 với 17 thành viên đã xây dựng được quỹ lên đến 42 triệu đồng. Bà Lê Thị Dự (thôn Tân Lập, xã Ea Yông), tổ trưởng tổ Tân Lập 1 cho biết, vừa qua “Quỹ hạt giống” của nhóm đã cho 8 hộ trong nhóm vay, giải quyết kịp thời những khó khăn của những hộ này trong đợt tưới cà phê thứ tư. Từ các tổ cà phê bền vững này, đến tháng 7-2011, với sự hỗ trợ của EDE đã hình thành nên 24 nhóm cà phê bền vững tại các xã: Ea Kênh, Ea Kuăng, Ea Yông và Tân Tiến. Khi các nhóm hoạt động tương đối ổn định, Hội nghị thành lập HTX đã được tiến hành. Khi được thành lập, HTX đại diện cho người nông dân thực hiện các giao dịch kinh tế như mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… theo đơn đặt hàng của nông dân. Nhờ được mua tập trung với số lượng lớn nên đã giảm giá thành, tránh được tình trạng bị tư thương ép giá…HTX cũng là cầu nối quan trọng giữa xã viên với EDE để giải quyết kịp thời nhu cầu của người nông dân.

Theo ông Lê Ánh Hào (Văn phòng EDE huyện Krông Pak), suốt quá trình thành lập đến nay, HTX đã nhận  được sự hỗ trợ tận tình của các chuyên gia quốc tế và trong nước về các lĩnh vực quản lý HTX, tài chính và tiếp thị. Chẳng hạn, giúp HTX xây dựng được một vườn cà phê bón phân đối ứng tại xã Tân Lập, xây dựng một lò sấy cà phê tại xã Ea Yông…Quan trọng hơn là người nông dân đã được đáp ứng mọi nhu cầu về kỹ thuật canh tác theo thực tế sản xuất. Nhờ đó đã giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo đảm tối đa lợi ích cho họ.

Hồng Thủy – Gia Hưng – Giang Nam


Ý kiến bạn đọc