Multimedia Đọc Báo in

Nhiều công trình giao thông ngưng trệ do thiếu vốn

17:15, 25/03/2013

Năm 2013, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng thi công dở dang  “nằm đắp chiếu” do thiếu vốn. Trong khi chủ đầu tư đang “lực bất tòng tâm” tìm giải pháp để tiếp tục thi công thì người dân ở lân cận công trình vẫn phải gánh chịu nhiều hệ lụy...

Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 8, đoạn từ km16 – km30+500 và hệ thống thoát nước (thuộc gói thầu số 4) được khởi công xây dựng từ năm 2002 có tổng dự toán trên 16,2 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đã thực hiện và nghiệm thu là 10,3 tỷ đồng. Hiện gói thầu số 4 đã thi công xong phần hệ thống thoát nước, chỉ còn lại 1km móng mặt đường bê tông xi măng (BTXM), đoạn km20+900 – km21+900, thường gây ách tắc giao thông trong mùa mưa, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân địa phương, và thời gian thực hiện đầu tư đã vượt quá thời hạn cho phép của dự án nhóm C (không quá 3 năm). Tương tự, Dự án đường nối quốc lộ 26 với đường liên tỉnh Dak Lak – Phú Yên cũng được khởi công cách đây 4 năm, có tổng mức đầu tư trên 85 tỷ đồng, đến nay mới bố trí gần 64 tỷ, năm 2013 chỉ bố trí được 3 tỷ đồng. Trong dự án này có gói thầu số 1, đoạn từ km0 – km1+400 và cầu Ea Sô, mới thi công xong được 2 trụ thì phải dừng lại do hết vốn. Ông Trần Thủ, Giám đốc Ban quản lý dự án (Sở GTVT) cho biết, đây là công trình cần hoàn thành cấp bách do cầu sắt cũ đã hư nghiêm trọng, hằng năm phải mất gần 1 tỷ đồng để sửa chữa. Trong khi đó lưu lượng xe tải hạng nặng đi lại qua cầu rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn sập cầu và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân sở tại.



Các chủ đầu tư đang nỗ lực tìm vốn để
Các chủ đầu tư đang nỗ lực tìm vốn để "cứu" công trình.

 

 

Bên cạnh đó, 2 công trình cầu giao thông nông thôn trọng điểm của tỉnh là cầu Buôn Trấp (huyện Krông Ana) và cầu Vụ Bổn (huyện Krông Pak) cũng chung cảnh ngộ. Cầu Buôn Trấp có tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng, đến nay mới được bố trí 11,8 tỷ, trong năm 2013 không bố trí kế hoạch vốn. Hiện nay gói thầu này đã thi công xong phần hạ bộ, đúc xong dầm và đường đầu cầu phía thị trấn Buôn Trấp. Các hạng mục còn lại như lao lắp dầm, mặt cầu, lan can tay vịn, nền, mặt đường phía cánh đồng đều chưa được triển khai do không được bố trí vốn. Cùng với đó, công trình cầu Vụ Bổn được khởi công từ năm 2011 bằng nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, có tổng mức đầu tư trên 14,7 tỷ đồng, đến thời điểm này mới bố trí 6,5 tỷ đồng. Đây là công trình gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương, bởi mỗi khi mùa mưa đến, người dân phải đi lại trên cây cầu phao tạm bợ, trong khi công trình cây cầu tiền tỷ nằm chỏng chơ do bị tạm dừng thi công. Hơn thế, tại công trình tiền tỷ này vào năm 2010 đã xảy ra một tai nạn thương tâm cướp đi tính mạng một người dân địa phương. Trong khi đó, người dân và chính quyền địa phương vẫn phải loay hoay vật lộn tìm biện pháp đưa người qua sông khi mùa mưa đến và cây cầu phao tạm bợ được xem là cứu cánh duy nhất cho họ, nhưng những lúc sóng to gió lớn xảy ra bất trắc thì không ai lường trước được.

Không riêng gì các tuyến đường cấp huyện, tỉnh mà tuyến quốc lộ 29, đoạn qua địa bàn tỉnh cũng đang phải chịu cảnh “con khóc mà mẹ không còn sữa”. Tổng chiều dài toàn tuyến trên 180 km, điểm đầu tại cảng Vũng Rô (Phú Yên), điểm cuối tại thị xã Buôn Hồ (Dak Lak) nối các trục giao thông quốc gia như quốc lộ 1, đường Đông Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh và nối với cửa khẩu Dak Ruê (biên giới giữa Dak Lak và Campuchia), nên đây được xem là tuyến đường huyết mạch có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho Dak Lak nói riêng, các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. Hiện nay, tuyến đường này đã bị hư hỏng nghiêm trọng, mặc dù đã được khắc phục sửa chữa nhưng chỉ dừng lại ở mức độ “vá ổ gà” nên sau một thời gian,  đâu lại vào đó. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp tuyến đường này để dự án được triển khai vào năm 2014.

Ông Thủ cho biết thêm, để từng bước khắc phục khó khăn và tránh nợ đọng đối với các công trình, Sở GTVT chỉ đạo các nhà thầu không được làm khối lượng vượt kế hoạch vốn, có nghĩa là vốn phân bổ đến đâu thì làm đến đó. Đồng thời, Sở cũng nỗ lực trong công tác tìm nguồn vốn đầu tư để các dự án tiếp tục được triển khai trong điều kiện thời tiết ở địa phương thời điểm này rất thuận lợi cho việc thi công công trình, tránh bức xúc trong nhân dân.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.