Tư duy mới trong lập thân lập nghiệp của thanh niên nông thôn
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi ngay trên mảnh đất quê hương để làm giàu cho chính mình; đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đang trở thành điểm mới trong tư duy lập thân, lập nghiệp của thanh niên nông thôn tỉnh nhà hiện nay.
Một góc trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Ngọc Mười thôn 10 (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) |
Những mô hình kinh tế tiêu biểu
Không chỉ năng nổ, nhiệt huyết với phong trào, Nguyễn Đức Phước - Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN xã Ea Tân, huyện Krông Năng còn được biết đến là một thanh niên trẻ tuổi, giàu chí tiến thân, đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bằng những kiến thức tích lũy được trong những lần đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình làm ăn hiệu quả trong - ngoài tỉnh và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, Phước đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu. Anh đã cải tạo thành công cây bơ hạt thành những cây bơ ghép có giá trị kinh tế, trồng xen cây bơ và sầu riêng vào vườn cà phê, trồng hồ tiêu vào diện tích cà phê già cỗi không năng suất... Hiện tại, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế của gia đình anh lên đến 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 20 lao động thời vụ. Để động viên, giúp đỡ những thanh niên khác trong xã cùng phát triển kinh tế, anh đã đề xuất với Ban Thường vụ Đoàn xã Ea Tân thành lập Nhóm thanh niên lập nghiệp “Quyết Tâm” và tổ tiết kiệm khuyến nông cho thanh niên. Đến nay, các nhóm này thu hút đông đảo thanh niên tham gia với số vốn lên đến hàng chục triệu đồng.
Đến thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, xem cơ ngơi của anh Nguyễn Ngọc Mười, mới thấy hết được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ tuổi này. Từng thi đậu vào Trường Đại học Hồng Bàng - Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã phải gác lại ước mơ theo học đại học và chuyển qua học trung cấp. Tốt nghiệp Trung cấp Kế toán với hy vọng kiếm được một việc làm ổn định nhưng đồng lương lại bấp bênh, năm 2004 anh trở về và quyết tâm lập nghiệp tại quê hương từ mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Phương châm “Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn”, đến nay trang trại đã có: 60 con heo thịt, 6 con heo nái, 3 con bò thịt, 3 con bò sinh sản, 2 ha cà phê và 2 ha ngô với tổng thu nhập 722 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 400 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh Mười còn là một Bí thư Chi đoàn năng động, nhiệt tình. Trong thời gian qua, Chi đoàn thôn 10 đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan mô hình của những thanh niên phát triển kinh tế giỏi trong huyện.
Làm chủ mô hình kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ đám cưới với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng một năm, anh Vũ Hữu Thông xã Buôn Triết, huyện Lak còn được nhiều người dân biết đến như “một tư vấn viên về thuốc bảo vệ thực vật”, anh thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho người dân sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, không gây hại cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Chia sẻ về cảm xúc khi nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012, anh Thông cho biết: “Tôi rất vui và tự hào khi mình là một trong 300 thanh niên cả nước được nhận giải thưởng. Hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ trong tỉnh nhận được giải thưởng này”.
Cần sự hỗ trợ kịp thời
Xác định việc hỗ trợ thanh niên thoát nghèo là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Anh Y Nhuân Byă, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Những năm gần đây, xu hướng làm kinh tế của thanh niên nông thôn trong tỉnh có sự đổi mới tư duy, các bạn đã biết lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng của bản thân để đầu tư. Hiện tượng làm theo phong trào như trước đây không còn nữa, thay vào đó thanh niên đã biết nắm bắt khoa học kỹ thuật và thành lập các mô hình kinh tế hiệu quả”.
Để phát huy vai trò "bà đỡ", căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ động tích cực phối hợp với các ngành triển khai từng phần việc cụ thể như: tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn về giống, vốn, kinh nghiệm quản lý, vận động thanh niên liên kết, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, chỉ đạo các cấp Đoàn, Hội làm tốt công tác tuyên truyền thông qua tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn thanh niên, sinh hoạt chuyên đề… để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Với phương châm đồng hành cùng thanh niên trong năm 2012, các cấp Đoàn, Hội trong tỉnh đã hướng dẫn giúp hội viên thanh niên lập dự án vay vốn sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và quy trình bảo vệ thực vật cây nông nghiệp ngắn ngày (lúa, bắp lai, rau màu) tại các huyện Krông Năng, Krông Pak, Ea H’leo cho 240 thanh niên và nông hộ; đào tạo nghề cho 7.364 thanh niên nông thôn; tổ chức 75 đợt tư vấn giải quyết việc làm cho 30.186 lượt thanh niên, trong đó 5.131 thanh niên tìm được việc làm. Ngoài ra, Đoàn, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân gần 290 tỷ đồng hỗ trợ 18.367 ĐVTN phát triển kinh tế; hỗ trợ 17 ĐVTN vay vốn “Khởi nghiệp” của Hội LHTN tỉnh với tổng số tiền 340 triệu đồng; các cấp Đoàn, Hội thành lập được 232 tổ vay vốn thu hút 1.916 ĐVTN tham gia với tổng số vốn trên 2,5 tỷ đồng…
Có thể thấy, mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định song kết quả đạt được đã minh chứng cho khát vọng cùng quyết tâm lập nghiệp của tuổi trẻ. Nhiều bạn đã bứt ra khỏi lối tư duy cũ, mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, có ý chí làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà; đồng thời qua phong trào đã mở rộng khối đoàn kết, tập hợp thanh niên sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc