Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Cần triển khai đồng bộ, sát thực tế

08:34, 28/05/2013

Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng đã đem lại những kết quả thiết thực. Tuy vậy, tình trạng thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, đây là một thách thức lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Dak Lak.

Chính sách với đồng bào DTTS

Liên kết trồng rừng ở Krông Bông đã góp phần giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.
Liên kết trồng rừng ở Krông Bông đã góp phần giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm dành cho nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, nhất là về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, như: Quyết định 132/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào DTTS tại Tây Nguyên; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định 1592/2009/QĐ-TTg về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn… Theo đó, đời sống của đa số đồng bào DTTS nghèo từng bước được cải thiện, bà con yên tâm định cư và tổ chức sản xuất có hiệu quả trên diện tích đất được hỗ trợ. Cụ thể, chương trình 132 về đất ở, đã thực hiện hỗ trợ cho 5.531 hộ với tổng diện tích 144,51 ha, phần lớn các hộ được giải quyết đất ở đã làm nhà trên diện tích được giao, không có hiện tượng đất bị bỏ hoang; về đất sản xuất, có 7.737 hộ được giải quyết, với tổng diện tích 2.771,5 ha, trong đó cấp đất sản xuất cho 3.754 hộ, với diện tích 1.591 ha, cấp vườn cây cà phê và cây điều kinh doanh là 1.937 hộ, diện tích 596,6 ha. Ngoài ra, 65 hộ thiếu đất sản xuất được đưa vào làm công nhân tại các doanh nghiệp; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 170 hộ, diện tích 3.953 ha (theo Quyết định 304 về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên ); hỗ trợ chăn nuôi cho 1.451 hộ với 1.503 con bò sinh sản. Chương trình 134 cũng đã giải quyết đất ở cho 5.531 hộ với 144,51 ha; về đất sản xuất, giải quyết được 7.737 hộ với 2.771,50 ha. Riêng số hộ thiếu đất sản xuất phát sinh sau chương trình 134 gồm 6.222 hộ, diện tích 1.805 ha và một số phát sinh khác đang được tỉnh triển khai xây dựng thành đề án theo Quyết định 1592.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ đã khẳng định đây là chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của đồng bào DTTS và là chính sách đầu tư trực tiếp đến hộ nghèo. Các địa phương cũng đã tích cực vận động nhân dân hỗ trợ giải quyết đủ đất ở và đất sản xuất cho các hộ thuộc diện chính sách để ổn định cuộc sống.

Cần có chiến lược phù hợp, linh hoạt

Mặc dù Dak Lak đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc triển khai các chương trình trên vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả đem lại chưa cao. Nguyên nhân trước hết là do một số đơn vị, địa phương chưa xác định đầy đủ tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS nên việc chỉ đạo thực hiện chưa đồng bộ, còn nhiều thiếu sót, chưa chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại chỗ quản lý và sử dụng đất có hiệu quả chưa được quan tâm; một số nơi thực hiện việc rà soát các hộ thiếu hoặc không có đất không sát với thực tế dẫn đến bỏ sót nhiều hộ nằm trong diện chính sách. Công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác thiếu đồng bộ, một số khu định cư mới còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng chương trình 134 còn tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó, một số diện tích khai hoang của huyện Buôn Đôn, Ea Súp có tầng đất canh tác mỏng, tỷ lệ đá cao, thiếu nguồn nước tưới, trong khi đó công tác khuyến nông chưa đủ mạnh, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế… nên hiệu quả sản xuất thấp. Đó là chưa kể đến việc một số hộ đã nhận đất nhưng vẫn chưa sản xuất được do tranh chấp, tái lấn chiếm của một số người trước đây đã bị thu hồi đất…

Để chính sách giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ có tầm chiến lược lâu dài, thực sự mang lại hiệu quả thiết thực giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, trước mắt cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở những địa phương còn bố trí được quỹ đất; đối với vùng không còn quỹ đất trống nên chuyển từ chính sách hỗ trợ đất sản xuất sang hỗ trợ chuyển nghề. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất phải chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ về kế sinh nhai, vì khi đã ổn định được chỗ ở, đất sản xuất thì việc hỗ trợ đồng bào DTTS tại chỗ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là điều rất cần thiết để họ yên tâm định cư và tránh tái nghèo. Song song đó, trong quá trình thực hiện cần làm tốt việc xác định đúng đối tượng được hỗ trợ; miễn phí hoàn toàn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào; cải thiện hệ thống thanh tra, giám sát…

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.