Hiệu quả từ việc kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà nông: Dấu ấn buôn Króa
Buôn Króa (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) không còn như xưa nữa, cuộc sống của bà con người Ê đê ở đây đã thay đổi hoàn toàn. Trong câu chuyện với nhiều người, tôi đã nghe và thấy hành trình vượt khó của họ như một dấu ấn không thể nào quên…
“Bà đỡ” của buôn làng
Cuộc sống của người dân buôn Króa như già Ma Ngơi và anh Y Wai tâm sự là trở nên ấm no hơn từ khi có sự chung tay giúp đỡ của Công ty Cà phê Thắng Lợi vào những năm 1993-1995. Già Ma Ngơi nhớ lại: lúc đó Công ty trực tiếp làm việc với chính quyền xã Cuôr Đăng bàn cách làm ăn cho bà con theo hướng đóng góp quỹ đất hiện có để cùng nhau đứng vào một tập thể sản xuất cà phê dưới sự “bảo trợ” của Công ty. Chủ trương này được bà con nhanh chóng đồng ý và hưởng ứng cùng với doanh nghiệp, chính quyền bắt tay tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng đất đai, năng lực sản xuất của từng hộ để có kế hoạch và phương án cụ thể giúp người dân cơ hội làm một cuộc “đổi đời”. Ông Nguyễn Xuân Thái - Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi đến giờ vẫn còn nhớ như in những tháng ngày lăn lộn với bà con buôn Króa để dồn đất, phân lô và đưa nước về phục vụ đời sống sản xuất như đã hoạch định.
Làm cơm lam là nghề truyền thống giúp bà con có thêm thu nhập. |
Ông Thái cho biết, bình quân mỗi hộ ở đây được Công ty giao trồng và chăm sóc 8 sào cà phê. Mọi khâu kỹ thuật - từ đào hố, đặt cây, chăm bón, tỉa cành… đều được cán bộ chuyên môn của công ty trực tiếp hướng dẫn chi li, tận tình. Ba năm sau (1998), vùng đất hoang hóa của buôn Króa ngày nào đã biến thành những vườn cà phê xanh tốt và bắt đầu cho những trái bói đầu tiên. Những năm tiếp theo, giá cà phê trên thị trường ngày một ổn định; cùng với sản lượng vườn cây đạt khá cao (khoảng 2,5-2,8 tạ/sào) đã mang về cho bà con nguồn thu nhập đáng kể. Anh Y Wai tỏ ra hào hứng: mỗi niên vụ cho thu nhập vài ba chục triệu đồng/hộ, đó là số tiền mà trước đó người dân trong buôn nằm mơ cũng không thấy được. Còn già Ma Ngơi thì khẳng định, cây cà phê đã mang lại nguồn sống mới cho dân làng, bởi từ đây hơn 180 hộ dân buôn Króa đã thật sự gắn bó với vườn rẫy của mình.
Đến nay, ngoài 130 ha cà phê liên kết với Công ty Cà phê Thắng Lợi và được doanh nghiệp này làm “bà đỡ” trong tất cả các công đoạn, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… thì người dân ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng có hiệu quả thấp như ngô, sắn tại các vùng đất mà họ khai hoang, tích lũy được để trồng thêm cà phê (mỗi hộ 3-5 sào), nên thu nhập hàng năm cũng không ngừng tăng lên. Các hộ đã xây được nhà kiên cố, sắm sửa phương tiện sản xuất và tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Trưởng buôn Ma Rao bảo: cái nghèo đã thật sự lùi xa vào dĩ vãng, thay vào đó là một đời sống tươi mới và hạnh phúc hiển hiện sinh động trong mỗi ngôi nhà, từng cụm dân cư, buôn đã được huyện Cư M’gar công nhận là buôn văn hóa từ năm 2007.
Không ngừng mơ ước
Trong ba năm vừa qua, buôn Króa được “Bà đỡ” của mình cùng ngành nông nghiệp tỉnh chọn làm mô hình trình diễn trồng xen tiêu, sầu riêng, bơ và các loại cây ăn quả khác theo hướng hàng hóa trong vườn cà phê đã thật sự giúp người dân đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, để cùng với những vùng khác như Krông Pak, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Năng… tạo nên vựa cây trái có thương hiệu cho Dak Lak. Có thể nói, sự chung tay giúp đỡ nhau tìm ra một hướng làm ăn phù hợp với điều kiện sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ nhằm không ngừng cải thiện cuộc sống cho họ đang được các cấp chính quyền, các đơn vị doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn quan tâm đầu tư ngày càng tích cực hơn. Và cũng từ chủ trương đúng đắn ấy, đã tạo động lực to lớn, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng ấm no, văn minh hơn. Nói như nhiều người dân ở buôn Króa rằng, sự ấm no ấy đã cho họ niềm tin vào Đảng và Nhà nước nhiều hơn trong chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Những khu đất mới khai hoang này, người dân buôn Króa dự định sẽ trồng các loại rau để sản xuất sản phẩm “Muối đồng bào”. |
Có được thành quả như hôm nay, khiến giấc mơ đổi đời và khát vọng làm giàu chính đáng của bà con ở đây ngày càng vươn xa hơn. Mẹ con Mí Hao tâm sự: khoảng mười năm trước, buôn Króa nghèo lắm. Cái nghèo mà theo Mí Hao bảo là như “ngọn gió chướng” thổi tan hoang mọi nếp nhà. Hơn 180 gia đình người Ê đê lam lũ với ruộng vườn quanh năm, nhưng chưa bao giờ hết nỗi lo đứt bữa. Nhất là, vào những tháng mùa khô, nhìn luống ngô, bụi chuối heo quắt dưới cái nắng như đổ lửa, không ai là không cảm thấy não nề. Cả buôn này như khô khát và táo tác bủa đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Tối về có hạt gạo đổ vào nồi, nuốt miếng cơm xong là lại lo toan tính kiếm sống cho ngày hôm sau… Vì thế, nhìn vào nhà người nào cũng trống huơ, trống hoác, vườn tược thiếu hơi ấm con người nên hoang phế, cây bụi mọc ngổn ngang, cằn cỗi… Những ký ức lam lũ một thời ấy, phải chăng đã được người dân buôn Króa nhận thức sâu sắc hơn trong đời sống hôm nay để đứng dậy tạo lập cho mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn xưa? Điều đó đúng khi Mí Hao cho rằng phải làm ăn và tích lũy nhiều hơn để lo cho con cháu sau này có cuộc sống đàng hoàng hơn mới là điều quan trọng. Từ suy nghĩ ấy, gia đình mí vận động bà con trong buôn tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất muối (gia vị) từ nguyên liệu truyền thống là các loại rau, củ rừng và được bà con tích cực hưởng ứng, góp sức cùng nhau thực hiện. Trong những khu vườn cà phê, bà con đã bắt đầu trồng xen thêm các loại cây, lá để làm ra sản phẩm “muối đồng bào” hiện đang được các nhà hàng, khách sạn ưa chuộng.
Trung tâm Khuyến công Dak Lak đánh giá đây là ý tưởng hay và rất khả thi, khi dự án này được triển khai thì Trung tâm có sự hỗ trợ về vốn, thị trường tiêu thụ góp phần giúp người dân vươn lên làm giàu bền vững hơn. Hy vọng sắp tới, những ngành nghề truyền thống ở đây sẽ được bà con đầu tư, phát huy để cùng với mô hình cà phê trồng xen cây trái đang được triển khai hiệu quả sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho buôn Króa.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc