Multimedia Đọc Báo in

Phân bón vụ hè - thu: Nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định

08:32, 28/05/2013

Đầu mùa mưa, người dân tập trung bón phân cho cây trồng. Thị trường phân bón phục vụ cho vụ hè thu thời điểm này đã bắt đầu sôi động. Nhìn chung, nguồn cung khá dồi dào, giá cả không biến động nhiều so với mọi năm.

Thời điểm này, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đang tất bật chuẩn bị bón phân cho cây trồng, khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng lên đáng kể. Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2013 toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 272.632 ha cây ngắn ngày các loại, tăng 12.267 ha so với vụ trước, trong đó lúa 50.000 ha, ngô 120.260 ha, khoai lang và sắn 26.302 ha, đậu các loại 50.500 ha… Thông thường, bước vào sản xuất vụ hè thu cũng là lúc giá phân bón trên thị trường tăng mạnh, nhiều nông dân phải mua hàng tạm trữ để đề phòng tình trạng giá cả leo thang. Tuy nhiên, khác với mọi năm, đến thời điểm này, mặt bằng giá cả phân bón vẫn ổn định, khiến nhà nông phần nào yên tâm hơn để tập trung sản xuất. Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng đã sớm nhập hàng về phục vụ nhu cầu sản xuất trong suốt mùa mưa. Theo anh Nguyễn Phúc Hòa - chủ cửa hàng phân bón tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột thì thời gian gần đây, sức mua các loại phân bón liên tục tăng cao, trong khi nguồn cung dồi dào khiến giá cả mặt hàng này khá ổn định. Hiện urê Phú Mỹ bán ra có giá 615.000 đồng/ bao (loại 15 kg), N.P.K đầu trâu vàng 16-8-16 giá 600.000 đồng/ bao, N.P.K đầu trâu xanh 630.000 đồng/ bao, phân Komix 6-4-6 (chuyên dùng cho cây cà phê) bán lẻ có giá 5.700 đồng/ kg…

Kiểm tra chất lượng phân bón tại một đại lý trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Kiểm tra chất lượng phân bón tại một đại lý trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Vụ hè thu năm nay, các nhà máy sản xuất phân bón cũng đã kịp cung ứng ra thị trường nguồn hàng dồi dào, vì thế nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Ông Trương Quốc Huy, Trưởng vùng miền Đông - Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, công ty đã sớm có kế hoạch dự trữ nguồn hàng phân bón hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho cả vùng. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, lượng dự trữ khoảng 40.000 đến 50.000 tấn đủ cung ứng cho nông dân. Hiện giá phân bón đang ở mức thấp nên việc nông dân mua hàng dự trữ ngay từ đầu vụ là không cần thiết. Ông Huy cũng dự báo, thời gian tới nhiều khả năng giá phân bón trong suốt vụ hè thu sẽ không có biến động nhiều và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tại có nhiều loại phân bón bán ra trên thị trường không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng đã làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất. Một số đại lý còn tự ý pha trộn, nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán lại kiếm lời, khiến bà con nông dân bị thiệt thòi. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về nhãn mác hàng hóa ở mặt hàng phân bón. Trong đó đáng chú ý là vụ bắt quả tang xe tải vận chuyển 30 tấn phân N. P. K (hàng nhập từ Philippin nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt) từ TP. Hồ Chí Minh về đang nhập hàng lại cho một đại lý tại Dak Lak. Nếu không được phát hiện kịp thời, số phân bón trên sẽ tuồn ra thị trường và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng mùa vụ. Trước tình hình đó, trong tháng 6-2013, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ thành lập đoàn kiểm tra chất lượng phân bón trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh; chất lượng phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi và tiến hành lấy mẫu để phân tích chất lượng.

Để vụ hè thu đạt kết quả cao, cùng với nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo bà con khi chọn mua phân bón nên chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì, tốt nhất nên chọn mua những sản phẩm có uy tín trên thị  trường tại các đại lý đáng tin tưởng. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng nguồn phân hữu cơ thay thế cho các loại phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào, góp phần cải tạo đất, tạo đà sinh trưởng cho cây trồng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.