Multimedia Đọc Báo in

Gỡ “nút thắt” về vốn cho Quốc lộ 14 - đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên: Nhiều dự án được khởi công

14:41, 28/06/2013

“Tắc vốn” là một trong những nguyên nhân chính khiến việc thi công Quốc lộ (QL) 14 (trùng với đường Hồ Chí Minh) đình trệ, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân trong thời gian qua. Việc Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nâng cấp, mở rộng đường  bằng hình thức BOT (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh) được xem là cứu cánh, góp phần khơi thông về nguồn vốn để triển khai các dự án trên tuyến đường này.

Động thổ công trình tại huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông.
Động thổ công trình tại huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông.

QL14 đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông qua đây không ngừng tăng lên, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa cũng ngày càng lớn do  đây là tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh. Hơn thế, trên tuyến đường lại xuất hiện nhiều điểm đen, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông như đoạn km686 (thị xã Buôn Hồ), ngã Ba khu vực Đài phát sóng phát thanh Dak Lak – Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột; hoặc thường gây ùn tắc giao thông cục bộ ở một số điểm như đoạn hai đầu cầu Duy Hòa, nhất là khi mùa mưa đến. Việc nâng cấp, mở rộng QL14 là hết sức cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên và giảm thiểu tai nạn giao thông. Do vậy, Bộ GTVT xác định, ngay từ đầu năm 2013 sẽ ưu tiên thực hiện các dự án bằng hình thức BOT nhằm kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia triển khai dự án. Tháng 6-2013, trên tuyến đường này có 3 dự án mới được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015 đầu năm 2016. Tập đoàn Đức Long Gia Lai là đơn vị tiên phong mở đầu cho việc khởi động các dự án trên QL14, trong đó dự án đơn vị bao thầu có tổng chiều dài toàn tuyến trên 57km, điểm đầu từ TP. Pleiku (Gia Lai), điểm cuối cầu 110 (nối Gia Lai – Dak Lak), tổng kinh phí 1.800 tỷ đồng. Sau khi được khởi công, vào cuối tháng 6, trên QL14 có thêm 2 dự án được động thổ, gồm đoạn từ km1738+148 đến km 1763+610 (qua địa phận tỉnh Dak Lak) và đoạn km 1793+600 đến km1824+00 (qua tỉnh Dak Nông) liên danh Công ty TNHH Quang Đức, Công ty Cổ phần đầu tư Đông Hưng, Công ty Cổ phần Sê San 4A (Gia Lai) và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Toàn Mỹ 14, Công ty TNHH đầu tư, xây dựng, thương mại Băng Dương làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài trên 55km, kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng. Các dự án sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, vận tốc thiết kế từ 60 - 80km/giờ. Để hoàn vốn cho các dự án, nhà đầu tư được phép thu phí giao thông trên trạm thu phí bắt đầu từ tháng 1-2016, bằng 3,5 lần mức cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính. Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo đúng quy định, nhà đầu tư đã nhận được cam kết tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đối với Dự án đoạn qua tỉnh Dak Nông gần 900 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đối với dự án đoạn qua tỉnh Gia Lai gần 1.600 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết cho vay hơn 700 tỷ đồng đối với dự án đoạn qua địa phận tỉnh Dak Lak. Như vậy, với 3 dự án mới khởi động đều được các ngân hàng cam kết tài trợ vốn với tổng số tiền lên đến 3.200 tỷ đồng, là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện để dự án được triển khai và hoàn thành theo đúng kế hoạch đưa vào khai thác trong năm 2016.

Ngoài các dự án mới khởi công nói trên, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn phía Nam TP.Buôn Ma Thuột cũng được tái khởi động trước đó. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để công trình hoàn thành vào giữa năm 2014. Được biết, dự án được khởi công từ năm 2009, do Công ty xây dựng 470 (thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, nhưng do thiếu vốn của những năm trước và việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên dự án bị tạm ngừng thi công trong một thời gian dài. Đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, một số hạng mục của dự án được triển khai nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại như đoạn từ cầu Ea Tam đến khu vực Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột.

Nhận định về “tương lai” của các dự án mới khởi công, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đây là những dự án có tính khả thi cao, bởi đều được hưởng những ưu đãi về tài chính tại Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 8-11-2012 của Chính phủ về cơ chế đặc thù để triển khai các dự án nằm trên QL14. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nguyên đang từng ngày khởi sắc là một trong những cơ sở vững chắc để các chủ đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào tuyến đường này.

Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên dài 663 km, đã cơ bản hoàn thành 187 km bằng vốn trái phiếu chính phủ, đã và đang triển khai xây dựng 274 km (trong đó, 55 km thực hiện bằng vốn trái phiếu chính phủ bảo lãnh, 219 km thực hiện bằng vốn nhà đầu tư BOT). Còn lại 202 km, với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2016.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.