Nông dân Ea Kao tập trung chăm sóc cây cà phê mùa mưa
Tây Nguyên đang vào mùa mưa, mùa sinh trưởng và phát triển mạnh của cây cà phê. Là một vựa cà phê của TP. Buôn Ma Thuột với diện tích 2.000 ha, hiện nay bà con nông dân xã Ea Kao đang dốc sức tập trung chăm sóc cây cà phê để hướng tới một niên vụ sản xuất thắng lợi.
Gia đình ông Phạm Viết Quyền (thôn 4) có 4 ha cà phê, trong đó có 2 ha cà phê xen canh sầu riêng, hồ tiêu và 2 ha cà phê độc canh năm thứ 3. Hiện nay, gia đình ông đang tập trung bón phân, chăm sóc để vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Quyền cho biết, gia đình ông đã bón xong phân đợt 1 mùa mưa cho 2 ha cà phê kinh doanh. Riêng 2 ha cà phê mới trồng năm 2006, nhu cầu dinh dưỡng cao, đặc biệt là các loại phân hữu cơ, nên ngoài việc bón phân theo đúng liều lượng thì gia đình ông còn “đào ép xanh”: chắn bốn góc xung quanh cây cà phê để ép phân xanh từ các loại phế phẩm nông nghiệp như cỏ, cây cộng sản, thân cây ngô…
Ông Phạm Viết Quyền thường xuyên thăm vườn cà phê để chủ động chăm sóc vườn cây. |
Tương tự, gia đình ông Vũ Huy Từ cũng ở thôn 4, có 2 ha cà phê, năng suất hằng năm đạt 4,5-5 tấn, thuộc loại cao nhất trong vùng. Ông Từ cho biết, bí quyết để cây cà phê đạt năng suất cao là trồng cà phê xen canh các loại cây che nắng, chắn gió như bơ, sầu riêng, hồ tiêu… Mùa khô, các loại cây xen canh giữ vai trò che bóng, chắn gió cho vườn cà phê nên năm nay mặc dù hạn hán xảy ra khá nghiêm trọng nhưng vườn cà phê của gia đình ông vẫn phát triển tốt. Mùa mưa, để cây trồng có đủ chất dinh dưỡng nuôi trái, đặc biệt là tránh tình trạng rụng trái non trên cây cà phê thì việc bón phân đầy đủ, kịp thời, đúng kỹ thuật là yếu tố quyết định. Hiện tại, song song với việc bón phân đợt 2, gia đình ông còn tập trung cắt tỉa các chồi vượt của cây cà phê, rong cành các loại cây xen canh trong vườn để bảo đảm độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng phát triển.
Còn gia đình ông Nguyễn Thế Duyên (thôn 4) có 1 ha cà phê, do cây cà phê đã có tuổi, đất đai lại bạc màu nên việc chăm bón cho cây cà phê mùa mưa được gia đình chú trọng. Ông Duyên cho biết, vườn cà phê của gia đình ông trồng năm 1996, những năm gần đây, năng suất cà phê bị giảm sút, do vậy bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, trồng xen các loại cây che bóng, chắn gió trong vườn theo tỷ lệ 2 hàng cà phê 1 hàng cây chắn gió thì gia đình ông còn tích trữ phế phẩm nông nghiệp để tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Theo đó, phân hữu cơ thường được ủ vào đầu năm và bón vào đầu mùa mưa bằng cách đào rãnh dọc hàng cà phê, rải phân, tấp đất lại. Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình ông đã xanh trở lại, quả đều, đẹp, hứa hẹn năng suất cao.
Theo Hội Nông dân xã Ea Kao, tính đến thời điểm này, cây cà phê trên địa bàn xã vẫn sinh trưởng và phát triển tốt; phần lớn bà con nông dân đang bón phân đợt 2 – mùa mưa cho vườn cà phê. Song song với việc bón phân, bà con nông dân cũng chủ động phun thuốc phòng ngừa các loại sâu bệnh thông thường như rỉ sắt, rệp xanh, khô cành… định kỳ 2-4 lần/năm. Để cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, công tác thăm rẫy, vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại luôn được địa phương chú trọng.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc